Hội thảo nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số
Ngày 6-10, Vụ địa phương II, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Trung tâm Phát triển truyền thông và Sức khỏe (HCDC) tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS).
Dự án Tổ chức xã hội thúc đẩy dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (EC4) do Liên minh châu Âu tài trợ được thực hiện từ tháng 7-2017 đến tháng 7- 2021 ở 3 xã của huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) và 2 xã của huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Dự án nhắm đến 95.320 đối tượng hưởng lợi, tương đương với 60% số phụ nữ và thanh niên ở hai huyện nói trên.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Theo kết quả khảo sát của Dự án, ở các xã của huyện Krông Bông, tỷ lệ phụ nữ người Kinh tham gia nghiên cứu chiếm 73,4%, người Êđê chiếm 18,2%, còn lại người H’Mông, Tày và Nùng là 8,4%. Trong khi đó ở Lâm Hà tỷ lệ phụ nữ người Kinh tham gia Dự án chiếm 55,6%; Tày, Nùng chiếm 31,5% và phụ nữ K’ho 12,9%. Độ tuổi trung bình của nhóm phụ nữ tham gia nghiên cứu ở Krông Bông là 36, còn ở Lâm Hà là 34 tuổi…
Đến nay, Dự án đã tài trợ hoạt động cho 30 nhóm phát triển cộng đồng tại 3 xã thuộc huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk và 2 xã huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, mỗi nhóm thu hút từ 15-35 chị em tham gia; tài trợ gói thiết bị y tế cho phòng khám đa khoa của 2 huyện này với tổng trị giá gần 2,7 tỷ đồng. Dự án cũng đã thực hiện một số hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số tại 2 huyện này như: khảo sát ban đầu; thành lập nâng cao năng lực và hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức xã hội dân sự; các khóa tập huấn về tiếp cận dựa trên quyền giám sát dịch vụ công nhạy cảm giới, kỹ năng lãnh đạo và phát triển tổ chức…
Thành viên tham gia dự án chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại buổi hội thảo. |
Theo đánh giá tại hội thảo, đây là Dự án quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, tiếp cận dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, Dự án cần nghiên cứu lại địa điểm, theo đó cần chọn địa bàn có người DTTS chiếm phần lớn để có sự so sánh với người Kinh; thành lập và đào tạo mạng lưới truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng; sản xuất và phân phối cẩm nang sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tình dục đến các câu lạc bộ phụ nữ, nhóm phát triển cộng đồng và người dân…
Kim Hoàng
Ý kiến bạn đọc