Ngăn chặn bệnh tay chân miệng lây lan rộng
Những ngày gần đây, bệnh tay chân miệng (TCM) đang bùng phát trên địa bàn với số ca bệnh tăng cao tại nhiều địa phương. Hiện ngành y tế tỉnh đang triển khai cấp bách các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng.
Đón con ở trường về, chị Trần Thị Quyên (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) phát hiện con có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao và ở lòng bàn tay có nổi các bọng nước. Chị Quyên nhanh chóng đưa con đi khám và bác sĩ kết luận cháu bị bệnh TCM. Sau 2 ngày điều trị tại nhà không khỏi chị đã đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Đến nay, sức khỏe của cháu đã ổn định, hết sốt, các bọng nước đã xẹp và khô lại, bong tróc.
Tương tự, chị Hoàng Thị Mềnh (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) có con gái 6 tháng tuổi đang điều trị bệnh TCM tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chia sẻ, con chị vào bệnh viện gần một tuần nay do bệnh viêm phổi, lúc chuẩn bị xuất viện lại phát hiện ở tay, chân nổi vài bọng nước và sốt nhẹ. Ngay sau đó, cháu bé được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán mắc TCM nên tiếp tục ở lại điều trị.
Một trường hợp mắc bệnh TCM điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), từ đầu năm đến nay khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 130 trẻ mắc TCM. Đa số bệnh nhi vào viện trong tình trạng sốt cao, co giật, run tay chân. Dù chưa có bệnh nhân biến chứng nặng, song các bậc phụ huynh không được lơ là, chủ quan, mà cần theo dõi, quan sát những biểu hiện của trẻ khi thấy có dấu hiệu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Trước hết, phụ huynh nên tránh tập trung đông người ở những chỗ không cần thiết, đồng thời rửa tay bằng xà phòng thường xuyên cho trẻ và người chăm sóc trẻ để hạn chế thấp nhất sự lây lan của bệnh. Bác sĩ Minh cũng khuyến cáo, đối với những trường hợp nhẹ có thể chăm sóc trẻ ở nhà nhưng phải bảo đảm giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu chuyển nặng để đưa vào bệnh viện điều trị kịp thời. Khi thấy các dấu hiệu chuyển nặng như sốt cao liên tục khó hạ; giật mình, chới với; đi không vững; nôn ói, cần cho trẻ nhập viện ngay.
Số liệu thống kê của ngành y tế cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 8-10, toàn tỉnh ghi nhận 828 trường hợp mắc bệnh TCM. Số ca bệnh được ghi nhận tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, một số địa phương có số mắc cao là TP. Buôn Ma Thuột (210 trường hợp) và các huyện Cư M’gar (138 trường hợp), Buôn Đôn (95 trường hợp), Ea H’leo (74 trường hợp), Krông Pắc (64 trường hợp). Đáng chú ý, các ca mắc bệnh tăng nhanh trong tháng 9 và tháng 10. Đơn cử như trong 2 tuần trở lại đây, mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận hơn 130 trường hợp mắc mới, tăng gần 50 trường hợp so với tuần trước đó.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh TCM, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động ứng phó nhằm khống chế dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng như: chỉ đạo trung tâm y tế các địa phương tăng cường phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch và chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ điều trị bệnh TCM; đẩy mạnh truyền thông về phòng chống dịch bệnh để người dân nâng cao ý thức, chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ…
Bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế cho biết, để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh TCM, mới đây, Sở Y tế đã có văn bản gửi Sở Giáo dục – Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị phối hợp chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh TCM tại các trường học, đặc biệt tại nhà trẻ, trường mẫu giáo; phổ biến cho cô giáo, người chăm sóc trẻ về các biện pháp phòng chống dịch, hướng dẫn thực hành cho trẻ vệ sinh cá nhân, rửa tay đúng cách bằng nước sạch và xà phòng; trang bị đầy đủ phương tiện vệ sinh cá nhân tại trường học, bảo đảm có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng được đặt ở vị trí thuận tiện cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên. Đồng thời, thường xuyên giám sát tình hình sức khỏe học sinh tại trường học, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để khám, điều trị trường hợp mắc bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời.
Bệnh TCM là bệnh nhiễm vi rút cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Hiện nay, bệnh TCM chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. |
Kim Hoàng
Ý kiến bạn đọc