Cách nhận biết rối loạn tâm thần ở tuổi học đường
Xã hội hiện đại với nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống khiến nhiều trẻ em cũng bị tác động về tâm lý.
Sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh khiến trẻ bị căng thẳng, áp lực về thành tích học tập; chứng kiến cảnh gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, bạo lực, kinh tế khó khăn hoặc bị bạn bè bắt nạt… khiến trẻ dễ bị rối loạn tâm lý, hành vi. Nếu không được gia đình và xã hội quan tâm can thiệp đúng lúc, trẻ sẽ dễ bị các rối loạn tâm thần như: trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn lo âu và nghiện rượu, ma túy…
Lo sợ con mình không theo kịp bạn bè nên chị N.T.M (trú TP. Buôn Ma Thuột) đã đăng ký cho con học thêm hàng loạt các lớp luyện chữ, tiếng Anh, học toán, học đàn… Mặc dù chỉ mới lên lớp 3 nhưng ngoài thời gian học ở trường, con chị phải đi học thêm buổi tối, thậm chí các ngày nghỉ cuối tuần cũng kín lịch học, ít thời gian nghỉ ngơi, vui chơi như các bạn. Áp lực học hành khiến cậu bé từ một đứa trẻ hoạt bát, nhanh nhẹn, hay cười đùa trở nên lầm lì, ít nói, hay cáu gắt. Chị M. buồn bã: “Tôi nhận ra bé không còn thích giao tiếp với mọi người như trước mà chỉ thu mình lại. Quá lo lắng, tôi đưa bé đi khám thì các bác sĩ cho biết con tôi có biểu hiện rối loạn tâm thần do áp lực học hành quá lớn. Tôi hối hận vô cùng”.
Một trường hợp trẻ bị rối loạn tâm thần đến khám tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Ảnh: Đình Thi |
Cậu con trai của chị H.M.V (huyện Ea Kar) năm nay 12 tuổi, là học sinh lớp 6, từ nhỏ vốn hiền lành, nhút nhát. Thời gian gần đây, chị V. thấy con có nhiều biểu hiện bất thường như: nói dối, ăn cắp, bỏ học, thường xuyên tỏ ra chán nản, bi quan, học tập giảm sút. Chị dò hỏi trên trường thì được biết do mới chuyển cấp nên ở lớp mới cháu bị bạn bè bắt nạt. Dù chị đã cố gắng chia sẻ cùng con nhưng tình trạng của cháu vẫn không thuyên giảm nên chị quyết định đưa con đến khám tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Không nên bắt trẻ thực hiện những nhiệm vụ vượt quá năng lực, tạo cho trẻ quá nhiều sức ép bởi điều đó có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề làm tổn thương không chỉ cho bản thân trẻ mà cả gia đình, xã hội phải gánh chịu.
|
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé, Trưởng Khoa Khám – Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, lứa tuổi học đường là lứa tuổi rất dễ bị rối loạn tâm lý, hành vi. Mỗi lứa tuổi có những biểu hiện rối loạn khác nhau, do đó các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe tâm lý của trẻ trong giai đoạn này. Tùy thuộc vào loại rối loạn tâm thần mắc phải mà trẻ có những dấu hiệu, triệu chứng khác nhau. Ví dụ, ở tuổi nhà trẻ, mẫu giáo thì nhiều trẻ sẽ có biểu hiện lười ăn, hay quấy khóc, cáu kỉnh, ương bướng, không muốn đến lớp... Khi trẻ bắt đầu đi học tiểu học thì lầm lì, bướng bỉnh, hay kêu đau đầu, mệt mỏi, sợ đi học, sống thu mình... Lứa tuổi THCS, THPT thường có những biểu hiện rối loạn tâm thần, những rối loạn hành vi thường thấy như: nói dối, ăn cắp, bỏ học, bỏ nhà đi qua đêm, nghiện hút, nghiện rượu, nghiện game… Như vậy, những rối loạn tâm thần ở lứa tuổi học đường phải được hiểu rộng ra là tất cả những biểu hiện, hành vi, cách ứng xử... bất thường ở trẻ. Trong trường hợp đó, người lớn, nhất là các bậc cha mẹ, thầy cô không nên có những lời nói, hành động làm tổn thương trẻ mà cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, giúp đỡ trẻ thoát khỏi tình trạng đó.
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc