Không kiên trì, dễ tái nghiện hút thuốc lá
Cai thuốc lá là việc không hề dễ dàng. Muốn cai nghiện thành công, người cai thuốc phải có quyết tâm cao, kiên trì đến cùng và phải biết tránh né những lời mời gọi nếu không sẽ rất dễ tái nghiện.
Ông H.T.N. (57 tuổi, ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) nghiện thuốc lá gần 30 năm nay. Thời gian gần đây, ông mắc bệnh viêm họng hạt và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên các bác sĩ yêu cầu ông phải bỏ hút thuốc lá nếu không việc điều trị bệnh sẽ rất khó khăn. Nghe lời khuyên của bác sĩ, ông N. cố gắng bỏ thuốc lá. Song, bỏ thuốc được hơn 2 tháng thì ông hút thuốc lại. Ông N. phân bua: “Do áp lực công việc nên tôi cần hút thuốc lá để đầu óc tỉnh táo. Lúc bỏ thuốc lá, tôi không tài nào làm việc được, cảm giác trong người rất mệt mỏi nên tôi không kiên trì cai thuốc và lại tái nghiện”.
Không như ông N., anh T.T.V. (40 tuổi, ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) đã cai nghiện thành công mặc dù từng có thời gian nghiện thuốc lá nặng, có ngày phải hút đến 2 gói thuốc. Anh V. kể, anh hút thuốc lá từ năm 23 tuổi. Ban đầu, việc hút thuốc chỉ để xã giao; về sau khi công việc áp lực, anh hút thuốc để tìm cảm giác thư thái, giải tỏa căng thẳng. Lúc đầu chỉ vài điếu một ngày, dần dần lên đến 2 gói một ngày và nghiện lúc nào không hay.
Động lực khiến anh V. từ bỏ thuốc lá là vì con. Anh chia sẻ: “Từ khi vợ tôi sinh cháu thứ hai, cháu hay bị ho mà tôi lúc nào cũng hút thuốc. Nghe lời vợ khuyên nhủ, vì sức khỏe của cả nhà nên tôi quyết tâm cai thuốc. Nói bỏ thì dễ nhưng quả thật rất gian nan. Những ngày đầu mới bỏ thuốc lá, tôi cảm thấy bứt rứt, khó chịu, quên trước quên sau. Tôi dùng đồ ăn vặt thay thế cho số lần hút thuốc, hạn chế ra ngoài tán gẫu, cà phê với bạn bè và đặc biệt tránh xa môi trường có người hút thuốc lá. Thời gian rảnh tôi tập trung chơi thể thao. Cứ kiên trì như vậy, thói quen hút thuốc giảm dần và sau một năm tôi bỏ thuốc thành công. Giờ tôi ăn ngủ rất khỏe. Không còn mệt mỏi, khó chịu như thời gian đầu mới bỏ thuốc”.
Hãy kiên quyết từ chối lời mời hút thuốc. |
Theo các bác sĩ, đối với những người hút thuốc cho vui, hút theo thói quen ngày vài ba điếu thì việc từ bỏ dễ dàng hơn. Nhưng nếu đã nghiện, người hút thuốc cần nghiêm túc, kiên trì để thực hiện quyết tâm cai thuốc bởi vì chất nicôtin có trong thuốc lá chính là một chất gây nghiện, nó tác động lên não theo cách tương tự như hêrôin, côcain và tạo ra cảm giác sảng khoái. Vì lẽ đó, có rất nhiều người muốn bỏ thuốc lá và đã bỏ được thuốc lá dễ dàng trong lần cố gắng đầu tiên nhưng chẳng bao lâu sau đó lại bị tái nghiện. Nhiều người phải cai thuốc lá đến lần thứ ba mới thành công.
Bác sĩ Rmah Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cho biết: “Khi bắt đầu bỏ thuốc sẽ gặp một số dấu hiệu, như: mệt mỏi, căng thẳng, bứt rứt, khó chịu, lo âu, bồn chồn, hay cáu kỉnh, khó ngủ, mất tập trung, thèm ăn, giảm nhịp tim…
Thông thường, các triệu chứng này kéo dài không quá một tuần sau khi ngưng thuốc. Để vượt qua được khoảng thời gian này, người “cai thuốc” nên chuẩn bị sẵn một số đồ ăn vặt để thay thế cho thuốc lá; nên uống nhiều nước; hít thở sâu; không ngồi lại bàn ăn quá lâu mà nên làm việc khác, như: đánh răng, đi bộ hoặc nói chuyện với mọi người… Vứt bỏ toàn bộ các vật dụng liên quan đến thuốc lá, như: hộp quẹt, gạt tàn thuốc, hộp đựng thuốc…
Không đến những nơi có thể làm hút thuốc trở lại như quán cà phê, quán nhậu trong thời gian bỏ thuốc lá; không đi ngang nơi có quầy thuốc lá vẫn thường mua. Nên thông báo cho người thân và bạn bè xung quanh biết về quyết tâm cai thuốc lá để nhận sự động viên, khuyến khích và ủng hộ. Sau khi bỏ thuốc lá một thời gian, cơ thể sẽ tăng cân, nếu như điều đó là sự phiền toái thì nên chơi những môn thể thao phù hợp để kiểm soát cân nặng, như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đi bộ, bơi lội…”.
Tóm lại, không có liều thuốc kỳ diệu nào có thể giúp bỏ thuốc lá nếu chính bản thân người hút không có quyết tâm và sự kiên trì.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc