Những điều kiện để thực hiện giảm liều Methadone khi điều trị nghiện
Tính đến ngày 15-12-2020, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) quản lý điều trị 227 bệnh nhân nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, trong đó, có 211 bệnh nhân điều trị trên 6 tháng, 14 bệnh nhân dương tính với HIV.
Nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn, hạn chế thấp nhất việc tái nghiện cho các bệnh nhân đang điều trị Methadone có nguyện vọng được giảm liều tiến tới ngừng điều trị, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS đã tiến hành rà soát cho 21 bệnh nhân chấp hành đúng nội quy và tuân thủ điều trị tốt theo đúng quy trình điều trị do Bộ Y tế ban hành.
Cán bộ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tư vấn cho bệnh nhân và người nhà về việc giảm liều điều trị Methadone. |
Giảm liều Methadone là một thử thách đầy khó khăn về mặt thời gian. Quy trình giảm liều sẽ thực hiện theo nguyên tắc liều lượng Methadone giảm trong mỗi lần càng thấp và thời gian giảm liều càng kéo dài thì hiệu quả thành công càng cao.
|
Để tiến hành việc giảm liều Methadone đạt được hiệu quả cao cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhóm kỹ thuật (gồm bác sĩ điều trị, tư vấn viên, nhân viên hành chính, dược sĩ cấp phát) của cơ sở điều trị, trong đó bệnh nhân đóng vai trò quyết định. Bệnh nhân cần được đánh giá trước khi giảm liều phải đảm bảo với các yếu tố, các tiêu chuẩn và điều kiện như: Về tính ổn định thuốc (thời gian tham gia điều trị Methadone ít nhất là 1 năm, liều điều trị duy trì ổn định ít nhất là 6 tháng, không có các biểu hiện bệnh lý về thể chất, tâm thần, có động cơ, mục đích giảm liều rõ ràng); về lâm sàng (không còn cảm giác thèm nhớ hêrôin và các chất gây nghiện khác; bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt trong 3 tháng gần nhất, trong 1 tháng không bỏ liều quá 2 ngày; sẵn sàng thực hiện chỉ định xét nghiệm ngẫu nhiên hoặc định kỳ, kết quả xét nghiệm nước tiểu 3 lần gần nhất âm tính với bất kể các chất gây nghiện bất hợp pháp); về tâm lý xã hội (bệnh nhân có nhà cửa, nơi sinh hoạt ổn định, được hỗ trợ tốt từ người thân trong gia đình, bạn bè, ổn định về tinh thần và cuộc sống, không có những xáo trộn về tình cảm. Có việc làm, có mối quan hệ tốt với gia đình, bạn bè, xã hội; không có hành vi gây mất trật tự tại cơ sở điều trị, tại cộng đồng, không có hành vi vi phạm pháp luật. Bệnh nhân tự nguyện viết đơn xin giảm liều, bản cam kết tuân thủ giảm liều có sự cam kết phối hợp của người nhà hỗ trợ cho bệnh nhân).
Để giúp bệnh nhân điều trị hiệu quả, sự quan tâm hỗ trợ của người nhà đóng vai trò khá quan trọng bởi sự thành công trong điều trị và phục hồi chức năng tâm lý, hòa nhập cộng đồng phụ thuộc chủ yếu vào thái độ ứng xử của gia đình và cộng đồng. Gia đình cần tạo cho bệnh nhân có cảm giác là mọi thành viên đều yêu thương, gần gũi, đùm bọc và tôn trọng bệnh nhân, động viên, xây dựng niềm tin, tạo cơ hội, điều kiện tìm kiếm việc làm cho bệnh nhân. Không nên nhắc lại quá khứ, những chuyện mà bệnh nhân đã muốn quên đi hoặc từ bỏ. Tránh sự phân biệt đối xử với bệnh nhân, sự xa lánh từ chối của gia đình, bạn bè làm cho bệnh nhân nghi ngờ, không hợp tác, điều này dễ tạo nên sự hẫng hụt về mặt tâm lý, là nguy cơ làm cho bệnh nhân dễ tái nghiện. Khi bệnh nhân có biểu hiện khó chịu, bất thường, người nhà nên bình tĩnh, kiên nhẫn, không chỉ trích, áp đặt mà đến ngay cơ sở điều trị để trao đổi tìm giải pháp khắc phục nhằm ổn định tâm lý cho bệnh nhân.
Nguyễn Công Thành
Ý kiến bạn đọc