Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ vùng sâu

08:11, 02/06/2021

Nhờ những nỗ lực tuyên truyền cùng với hiệu quả cao trong công tác phục vụ, tư vấn và khám, chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) và tình dục, Phòng Khám sản phụ khoa (Khoa CSSKSS, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông) đã trở thành điểm đến tin cậy của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Sự, Trưởng Khoa CSSKSS, với đội ngũ cán bộ y tế giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao và thái độ phục vụ tận tâm, chu đáo, trong thời gian qua Phòng Khám sản phụ khoa đã làm tốt công tác CSSKSS cho người dân trên địa bàn huyện.

Từ cuối năm 2019, phòng khám được Dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số” (Dự án EC4) hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng và mua sắm nhiều trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại (máy siêu âm 4D, lồng ấp trẻ sơ sinh, máy theo dõi sức khỏe sản phụ và trẻ sơ sinh, máy khử trùng ozon…) đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp người dân tin tưởng và tìm đến phòng khám nhiều hơn. Mỗi năm, phòng khám tiếp nhận trên 1.000 ca sản phụ đến khám và sinh đẻ (trước đây chỉ từ 500 - 700 ca).

Phòng Khám sản phụ khoa (Khoa CSSKSS, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông) hiện có 3 bác sĩ, 10 nữ hộ sinh; trung bình mỗi tháng tiếp nhận thăm khám và điều trị cho khoảng 300 lượt bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Sự cho biết: “Một tín hiệu đáng mừng là trước đây phụ nữ dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa như Cư Pui, Yang Mao, Cư Drăm, Hòa Phong thường sinh đẻ tại nhà, nhưng từ khi có sự hỗ trợ từ Dự án EC4, họ đã tìm đến phòng khám để được khám, tư vấn và sử dụng các biện pháp sinh an toàn”.

Dù nhà cách trung tâm huyện hơn 25 km, đường đi lại khó khăn, nhưng đây là lần thứ hai chị Hà Thị Định (xã Cư Pui) quyết định chọn Phòng Khám sản phụ khoa để khám thai và sinh con. Chị Định tâm sự: “Đến đây, tôi được các bác sĩ thăm khám rất tận tình, được tư vấn cách CSSKSS trước, trong và sau khi sinh. Ngoài ra, phòng khám khang trang, sạch sẽ lại có nhiều máy móc hiện đại nên tôi rất yên tâm khi sinh con ở đây”.

Ngoài việc thăm khám và điều trị, Phòng Khám sản phụ khoa cũng coi trọng các hoạt động tuyên truyền về CSSKSS và tình dục cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện. Phòng khám trực tiếp cử cán bộ y tế phối hợp với trạm y tế các xã thường xuyên xuống tận các thôn, buôn để tư vấn cách chăm sóc sức khỏe; thuyết phục phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế để thăm khám và sinh con an toàn, tránh tai biến; vận động các cặp vợ chồng trẻ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình; hướng dẫn chị em có con nhỏ về phương pháp nuôi con theo khoa học…

Phòng Khám sản phụ khoa (Trung tâm Y tế huyện Krông Bông) tổ chức khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Hòa Phong.
Phòng Khám sản phụ khoa (Trung tâm Y tế huyện Krông Bông) tổ chức khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Hòa Phong.

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2019, định kỳ 3 tháng/lần, đội ngũ y bác sĩ của phòng khám thực hiện chuyến đi khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân tại các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn về điều kiện kinh tế, đường giao thông. Đến thời điểm hiện tại, phòng khám đã thực hiện 5 chuyến khám bệnh tại cộng đồng cho hơn 400 người dân. Qua đó, giúp nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức trong việc khám, chữa bệnh và biết cách tự chăm sóc, bảo vệ bản thân.

Thường ngày, chị H’Đon Niê (buôn Tliêr, xã Hòa Phong) luôn bận rộn với công việc nương rẫy nên ít khi để ý đến việc chăm sóc bản thân, mỗi lần bộ phận sinh dục bị viêm nhiễm, chị thường dùng các loại cây thuốc trong vườn để chữa trị chứ không đi khám vì ngại. Nhưng 2 năm trở lại đây, thông qua sự tư vấn, tuyên truyền của các cán bộ y tế, chị hiểu được rằng phụ nữ có thể mắc rất nhiều bệnh phụ khoa, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc sinh đẻ sau này. “Mỗi lần nghe tin có đoàn bác sĩ của Phòng Khám sản phụ khoa xuống trạm y tế xã để khám và phát thuốc tại địa phương, tôi và một số chị em trong buôn đều tạm gác mọi việc, đến thăm khám và nghe các bác sĩ chia sẻ những kiến thức bổ ích về CSSKSS để biết chăm sóc bản thân tốt hơn”, chị H’Đon chia sẻ.).

Tuyết Mai

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.