Thận trọng với dị ứng thực phẩm ở trẻ nhỏ
Trẻ dưới 3 tuổi có hệ miễn dịch và đường ruột còn non yếu nên rất dễ bị dị ứng với thức ăn. Thông thường, dị ứng thức ăn có các biểu hiện ở da như: ban đỏ, viêm da, nổi mề đay, chàm, đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu trẻ dị ứng thức ăn nặng có thể gây sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.
Khi con trai được 8 tháng tuổi, bắt đầu giai đoạn ăn dặm thịt, cá… thì chị Nguyễn Thị Bích Ly (trú huyện Cư Kuin) phát hiện cậu bé bị dị ứng lòng trắng trứng gà.
Sau khi ăn trứng, bé quấy khóc, phát ban kèm theo hiện tượng nôn, khó thở. Đưa con nhập viện cấp cứu và điều trị, chị mới biết con chị dị ứng với protein có trong lòng trắng trứng. “Đứa con đầu của tôi không hề bị dị ứng thức ăn nên tôi không biết vấn đề này cho đến khi bé sau bị. Lúc đó, tôi vô cùng hoang mang lo lắng bởi biết thực phẩm có thể gây dị ứng và nguy hiểm nếu trẻ bị nặng”, chị Ly nói.
Còn vợ chồng chị Trần Thị Hương (trú phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) có tiền sử dị ứng với thực phẩm nên trong quá trình nuôi con vợ chồng chị rất thận trọng với vấn đề ăn uống của con, nhất là với các loại thực phẩm như: sữa bò, trứng, hải sản, đậu phộng… Chị Hương chia sẻ: “Tôi được biết nếu cha mẹ bị dị ứng thực phẩm thì con cũng rất dễ bị, và khi bị dị ứng, nhẹ thì không sao chứ nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng”.
Hải sản là một trong những thực phẩm dễ gây dị ứng ở trẻ. |
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trẻ em dưới 1 tuổi đến khi trẻ bắt đầu ăn dặm là những đối tượng dễ bị dị ứng thực phẩm nhất vì ở độ tuổi này hệ thống miễn dịch và hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Thành phần chủ đạo gây ra dị ứng thức ăn ở trẻ em là các chất protein trong thực phẩm nên một số loại như: sữa bột, sữa đậu nành, sữa bò, trứng, các loại hạt, hải sản… dễ gây dị ứng cho trẻ. Dị ứng có thể xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau ăn. Khi bị dị ứng thức ăn, trẻ sẽ có các biểu hiện ở da như ban đỏ, viêm da, nổi mề đay, chàm, đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Một số trường hợp nặng, dị ứng thức ăn có thể gây kịch phát cơn hen phế quản hoặc gây sốc phản vệ, nguy cơ dẫn tới tử vong rất cao.
Để phòng dị ứng cho trẻ, tốt nhất nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để làm giảm tối đa việc tiếp xúc với các protein lạ, giúp hoàn chỉnh lớp bảo vệ ở ruột. Khi cho trẻ ăn dặm, cần lưu ý và quan sát mỗi khi bắt đầu cho trẻ ăn thử một loại thực phẩm nào đó. Nếu trẻ có biểu hiện dị ứng như nổi mề đay, mẩn ngứa, tiêu chảy, nôn trớ… thì nên cho bé ngừng ăn loại thực phẩm này. Tuy nhiên, dị ứng thức ăn không kéo dài suốt cả đời, chính vì thế không cần bắt trẻ kiêng khem kéo dài một loại thực phẩm nào cả. Sau một thời gian, có thể cho trẻ ăn lại thức ăn đó nhưng cần lưu ý trừ những món gây phản ứng dị ứng cấp tính như sốc phản vệ..
Phương Nhiên