Multimedia Đọc Báo in

Không chủ quan với các triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm

08:20, 25/07/2021

Thoát vị đĩa đệm là bệnh xương khớp thường gặp ở lứa tuổi trung niên, người lớn tuổi. Bệnh này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động, chất lượng sống, thậm chí người bệnh phải đối mặt với nguy cơ bại liệt nếu không được chữa trị sớm.

Bác sĩ CKII Huỳnh Như Đồng, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết: “Cơ thể con người gồm có ba phần: cột sống cổ (có thoát vị đĩa đệm cổ), cột sống ngực (có thoát vị đĩa đệm ngực) và cột sống thắt lưng (có thoát vị đĩa đệm lưng). Thoát vị đĩa đệm cột sống: cổ, ngực, lưng (trong đó thoát vị đĩa đệm lưng là bệnh thường gặp nhất) là hiện tượng nhân nhầy đĩa đệm ở cột sống thoát ra khỏi vị trí vốn có ban đầu gây chèn lên dây thần kinh, rễ thần kinh và các mạch máu dẫn đến tình trạng đau nhức và khó chịu. Bệnh hình thành chủ yếu do thói quen sinh hoạt, vận động hằng ngày, như: lao động nặng (bưng bê, bốc vác); những người làm việc trong văn phòng (ngồi lâu, ngồi nhiều); bị té ngã hay tai nạn giao thông chấn thương cột sống hoặc mắc các bệnh lý cột sống như: thoái hóa cột sống gây vẹo, gù, còng, thoái hóa đĩa đệm… Một số nguyên nhân khác, như: tuổi tác, bẩm sinh, di truyền, béo phì, ăn uống thiếu dưỡng chất… cũng làm tăng nguy cơ thoái hóa đĩa đệm, lâu dần dẫn đến thoát vị đĩa đệm”.

Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm lưng được bác sĩ hướng dẫn vận động sau phẫu thuật.
Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm lưng được bác sĩ hướng dẫn vận động sau phẫu thuật.

Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm ở mỗi người thường không giống nhau. Điều này phụ thuộc vào mức độ triệu chứng và vị trí thoát vị mà bệnh nhân gặp phải. Tuy nhiên, thường thì người bị thoát vị đĩa đệm có những triệu chứng, như: mỏi cổ, mỏi vai, tê bì chân tay. Có các cơn đau và cơn đau thường tiến triển theo hai giai đoạn: đau cấp và đau do chèn ép rễ thần kinh. Đau cấp xảy ra khi người bệnh gắng sức hoặc chấn thương. Đau do chèn ép rễ dây thần kinh thì cơn đau nhức có thể diễn ra chu kỳ hoặc liên tục. Đau thường lan rộng từ thắt lưng xuống hông, mông và bàn chân. Đau trở nên dữ dội khi bệnh nhân hắt hơi, ho hoặc vận động, đứng trong thời gian dài, chỉ thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. Do đó, thoát vị đĩa đệm nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp chữa trị, để các triệu chứng đau, tê ngày càng trầm trọng sẽ gây cản trở hoạt động sinh hoạt hằng ngày của người bệnh, về lâu dài có thể gây teo cơ, ảnh hưởng đến khả năng vận động, thậm chí ở một số người còn bị liệt chi.

Hiện nay, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã có đủ điều kiện để khám, chẩn đoán và phẫu thuật thoát vị đĩa đệm. Khi làm các cận lâm sàng, nếu trường hợp bị thoát vị đĩa đệm nhẹ, các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị bảo tồn bằng thuốc, tập vật lý trị liệu, châm cứu hoặc hướng dẫn chơi các môn thể thao phù hợp. Trường hợp nặng, bị thoát vị nhiều đốt sống, việc đi lại, làm việc khó khăn thì sẽ có chỉ định phẫu thuật. Thế nhưng thực tế hiện nay, nhiều người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm rất chủ quan, coi thường bệnh, điều trị không đúng phương pháp dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Theo bác sĩ Đồng, đa số các bệnh nhân đến khám và điều trị khi tình trạng bệnh quá nặng, như: chân thấp chân cao, một chân đi một chân lết, đi lảo đảo, đi không vững, vừa đi vừa vịn đầu gối, ôm chân, thậm chí nhiều trường hợp phải ngồi xe lăn. Hoặc cũng có những trường hợp khi đến khám, có chỉ định phẫu thuật nhưng cho rằng phẫu thuật nguy cơ liệt cao nên nhiều người ráng chịu đựng cơn đau mà không phẫu thuật hoặc tự điều trị bằng cách đắp lá hoặc sắc thuốc bắc, thuốc nam để uống, hơ nóng vùng đau… Những trường hợp này điều trị rất tốn thời gian, gây đau đớn cho bệnh nhân.

Bệnh nhân vận động đi lại theo hướng dẫn của bác sĩ sau một tuần phẫu thuật thoát vị đĩa đệm lưng.
Bệnh nhân vận động đi lại theo hướng dẫn của bác sĩ sau một tuần phẫu thuật thoát vị đĩa đệm lưng.

Để phòng bệnh thoát vị đĩa đệm, bác sĩ khuyến cáo: Mọi người khi học tập, làm việc, sinh hoạt cần chú ý tư thế cho cân bằng, giữ cột sống thẳng, nên đứng lên ngồi xuống thư giãn sau thời gian dài làm việc; tránh vận động thắt lưng quá mức; không nên mang, vác nặng quá sức mình, đặc biệt là động tác cúi nâng vật nặng. Cần duy trì cân nặng ở mức độ ổn định để giảm áp lực lên đĩa đệm; xây dựng chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng; tích cực tập thể dục để tăng cường cơ bắp ổn định và hỗ trợ cột sống, giảm tác động tổn thương đĩa đệm. Đối với người đã bị thoát vị đĩa đệm, nên sử dụng dụng cụ hỗ trợ lưng giúp giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm; người bệnh có thể áp dụng chữa trị bằng vật lý trị liệu, bao gồm xoa bóp, siêu âm… để ngăn ngừa bệnh tiến triển.

Nguyễn Mỹ


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.