Biện pháp tài chính sẽ tạo bước đột phá về bảo vệ môi trường
09:28, 10/05/2010
Ô nhiễm môi trường đang là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Các cấp các ngành đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Biện pháp tài chính là một trong những nhóm giải pháp được quan tâm nhằm góp phần nâng cao ý thức của người dân đối với việc BVMT. Phóng viên Báo Dak Lak có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) VŨ VĂN TRƯỜNG xung quanh vấn đề này.
Ông Trường đang trao đổi với phóng viên |
* Môi trường sống cũng như nền kinh tế của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ gia tăng ô nhiễm. Về mặt tài chính, hiện ở nước ta đã có những chính sách thu nào liên quan đến BVMT, thưa ông?
- Ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng cả trên mặt đất, trong lòng đất, nước và trong không khí. Hiện ở nước ta đã ban hành và thực thi nhiều biện pháp tài chính nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia trực tiếp vào hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài nguyên và huy động một phần đóng góp của đối tượng xả thải vào việc khôi phục môi trường. Có thể kể đến những chính sách thu hiện hành có liên quan đến BVMT như một số loại thuế: thuế đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn có các khoản phí, lệ phí đối như: Phí BVMT đối với nước thải, phí BVMT đối với khai thác khoáng sản, phí BVMT đối với chất thải rắn.
* Vậy hiệu ứng của những chính sách thu đó đối với vấn đề BVMT đến đâu, thưa ông?
- Phải ghi nhận là các khoản thu phí BVMT đã tạo thêm nguồn thu, góp một phần chi đầu tư giải quyết các vấn đề môi trường đồng thời thay đổi nhận thức và hành vi của tổ chức, cá nhân trong việc gìn giữ môi trường. Việc quy định ưu đãi thuế đối với lĩnh vực môi trường đã làm cho các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc tìm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi do hoạt động sản xuất gây ra; quan tâm áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để giảm bớt xả thải chất độc hại và tạo được những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận là những chính sách thu đó hiệu ứng còn khiêm tốn so với mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường hiện nay.
* Ông có thể chỉ rõ những hạn chế đó là gì?
- Về chính sách phí: Các chính sách phí hiện hành mới đạt mục tiêu huy động đóng góp một phần của những đối tượng xả thải vào môi trường mà không tự mình xử lý chất thải, nguồn thu từ phí còn rất hạn chế. Có thể minh chứng bằng con số sau: Tổng thu các khoản phí BVMT (tính cả số thu từ phí xăng dầu 9.000 tỷ đồng/năm) năm 2008 là 10.224 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu tài chính cho BVMT hiện rất lớn. Chỉ tính riêng nhu cầu cho các đề án tổng thể cải tạo môi trường và chương trình xử lý ô nhiễm ở các làng nghề, khu công nghiệp đã vào khoảng 17.678 tỷ đồng/năm; nếu tính cả nhu cầu đầu tư xử lý chất thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung, đầu tư phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản… thì nhu cầu tài chính còn cao hơn nữa. Đó là chưa nói đến chuyện các loại phí có tính pháp lý thấp nên đôi khi tác dụng chưa mạnh. Đối với chính sách thuế hiện hành, do BVMT không phải là mục tiêu chính nên cũng chưa tác động trực tiếp đến điều chỉnh hành vi tiêu dùng và hoạt động sản xuất các sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường.
* Vậy ở góc độ tài chính, theo ông cần có những biện pháp mạnh, mang tính đột phá nào?
- BVMT luôn được xác định là một chủ trương, chính sách lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong qúa trình CNH, HĐH. Mặc dù đã có những chính sách thu hiện hành liên quan đến BVMT nhưng tác dụng còn chưa mạnh như đã phân tích ở trên nên cần thiết phải có một sắc thuế riêng về BVMT để thu vào hàng hóa mà khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng những loại hàng hoá này. Rất mừng là Dự thảo Luật Thuế BVMT đang được xây dựng, xin góp ý của các ngành, các địa phương sau đó sẽ bổ sung, chỉnh sửa để trình Quốc hội cho ý kiến ngay trong tháng 5 này. Tất nhiên, khi Luật này được thông qua, lộ trình thực hiện cũng không đơn giản nhưng có thể coi đây là một bước đột phá, hy vọng sẽ tạo một hành lang pháp lý, góp phần điều chỉnh hành vi và nâng cao ý thức trách nhiệm BVMT của cộng đồng xã hội, cải thiện tình trạng môi trường đang xuống cấp hiện nay.
* Xin cảm ơn ông!
Đàm Thuần
(Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc