Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ tình nguyện và cống hiến

02:16, 01/05/2010

Mỗi người một công việc, một cương vị công tác khác nhau, nhưng điểm chung ở họ chính là lý tưởng, khát vọng sống của tuổi trẻ về sự tình nguyện và cống hiến, dù là một việc nhỏ nhất, để cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Thầy Trần Văn Phương (bìa trái) và hai học sinh tham gia dự thi chọn Đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Hóa học Quốc tế năm 2010.
Thầy Trần Văn Phương (bìa trái) và hai học sinh tham gia dự thi chọn Đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Hóa học Quốc tế năm 2010.

Anh TRẦN VĂN PHƯƠNG, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Du: Hãy lao động và cống hiến hết mình
“Với tôi, nghề giáo là sự lựa chọn đúng đắn sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Với tấm bằng cử nhân xếp loại khá, tôi đã được giữ lại trường làm giáo viên thực hành bộ môn Hóa phân tích, thế nhưng công việc này đã không giữ chân tôi quá một năm. Buôn Ma Thuột thân yêu, nơi có bố mẹ, em trai và cả tuổi thơ êm đềm đã thôi thúc tôi từ bỏ “chốn phồn hoa” quay về với “phố núi”, tình nguyện làm người đưa đò, chở kiến thức đến với học sinh. Hạnh phúc đã mỉm cười, khi tôi vinh dự được giảng dạy ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Làm việc ở môi trường giáo dục chất lượng cao, càng thôi thúc tôi tiếp tục rèn luyện, cống hiến. “Hãy lao động và cống hiến hết mình,  kết quả sẽ tự tìm đến” là phương châm sống của tôi. Chính vì vậy, tôi luôn tâm niệm, mình cần phải sống tốt, có trách nhiệm và ra sức học tập, để cùng góp phần vào sự nghiệp trồng người”.
4 năm đứng trên bục giảng, Trần Văn Phương đã phát hiện, bồi dưỡng nhiều học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi Hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia. Thành tích này sẽ là nguồn động lực để thầy giáo trẻ tiếp tục cống hiến, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn  cán bộ khoa học cho tương lai.

 

Anh NGUYỄN XUÂN SỸ, kỹ sư tự động hóa Công ty Cổ phần  Mía đường 333: Nỗi vất vả của công nhân là động lực thúc đẩy tôi suy nghĩ

 

 Tôi không nghĩ những sáng kiến về cải tạo hệ thống điện ba pha; giải pháp thiết kế, cải tạo và lắp đặt hệ thống cân đóng bao - in DATE lên bao đường dạng dấu lật tự động lại được Ban Giám đốc và Sở Khoa học - Công nghệ đánh giá cao như vậy. Những giải thưởng đó là nguồn động viên  tôi cố gắng tìm tòi, sáng tạo nhiều hơn nữa để cải tiến kỹ thuật giúp các anh chị em công nhân trong nhà máy đỡ vất vả hơn. Là một kỹ sư hằng ngày tiếp xúc với máy móc, tôi thấy một số công đoạn anh em công nhân trong nhà máy phải làm thủ công vừa tốn sức, tốn mực, có lúc còn đong đo sai số lượng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của công ty. Vì vậy, từ kiến thức được học qua trường lớp, kinh nghiệm thực tế, cộng với sự tìm tòi trên mạng Internet và sách kỹ thuật điện nên tôi đã mạnh dạn tiến hành đưa ra các giải pháp. Sau một thời gian đi sưu tầm các máy móc, thiết bị có liên quan từ các tiệm đồ điện,  tôi đã tự cắt gọt, tiện, hàn lắp ráp và đưa vào chạy thử, lúc đầu kết quả cũng chưa được như mong muốn. Sau mấy lần chỉnh sửa thấy máy không những chạy tốt mà còn thực hiện việc đong đếm số lượng chính xác, tiết kiệm mực, tôi đã làm tờ trình xin ý kiến của lãnh đạo công ty. Thời gian đầu đưa vào vận hành, sau khi máy tự động cân, ngắt và đóng mực xong, chúng tôi tiếp tục thử lại bằng hình thức thủ công như trước vẫn làm. Kết quả cho thấy độ sai lệch giữa 2 phương pháp thủ công và máy rất nhỏ không đáng kể. Nó nằm trong tỷ lệ chuẩn trong độ sai số cho phép. Điều này đã giúp giảm độ sai sót lượng đường khi đóng vào bao bì, vừa tiết kiệm được mực viết, thời gian mà trước đây 4 công nhân phải thường xuyên thay nhau đảm trách.

 

 

 

Thiếu úy PHAN THANH THÚY, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động (Bộ Tư lệnh CSCĐ): Vì sự bình yên của nhân dân
Với đặc thù công việc của mình, tuổi trẻ Cảnh sát Cơ động  nói riêng, ngành Công an nói chung phải tiên phong, không ngại  khó, ngại khổ để bảo vệ bình yên cho nhân dân, đặc biệt trong những dịp lễ, tết… Khi công việc càng nhiều thì trách nhiệm của những chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm càng lớn. Những lúc đó, đòi hỏi mỗi chiến sĩ công an phải xác định đúng đường lối, tư tưởng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bản thân không ngừng phấn đấu, nổ lực trong công tác chuyên môn, ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Cho dù trong thời bình hay thời chiến thì tuổi trẻ luôn đóng một vai trò quan trọng, quyết định sự phồn vinh của đất nước. Với đặc thù các tỉnh Tây Nguyên, các vấn đề an ninh luôn được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi những chiến sĩ cảnh sát phải luôn đi sâu vào đời sống nhân dân, nắm bắt tình hình, thông tin ngay từ cơ sở, để kịp thời định hướng tư tưởng đúng đắn cho họ. Trên tinh thần trách nhiệm của đơn vị, năm 2009 chúng tôi luôn xung kích trong các hoạt động xã hội như chuyến đi hơn 20 ngày ăn ở cùng người dân để dẹp bạo loạn ở thị trấn An Khê (Gia Lai); trong chuyến cứu trợ cho đồng bào ở Phú Yên sau cơn bão số 11, tôi và đồng đội đã dựng nhà, làm đường giúp người dân, tìm thấy hai nạn nhân bị chôn vùi trong các căn nhà đổ nát;  giải quyết thành công các vụ gây rối trật tự công cộng trên địa bàn tỉnh Dak Lak… Gần 10 năm sống và làm việc trong đơn vị đã giúp tôi trưởng thành và gắn bó hơn với nghề. Mặc dù,  công việc dù khó khăn, nguy hiểm như thế nào đi nữa, với tôi lòng yêu nghề và sự nhiệt tình của tuổi trẻ luôn được đặt lên hàng đầu.

 

Bác sĩ TRẦN ĐÀO MINH NGỌC, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên: Phục vụ bệnh nhân như người thân trong gia đình

Chị Ngọc khám cho bệnh nhân.
Chị Ngọc khám cho bệnh nhân.

 Đối với chị, mỗi bệnh nhân chính là những người thân trong gia đình. Bởi vậy, khi khám, chăm sóc cho bệnh nhân, chị rất tận tình, ân cần, chu đáo. Chị cũng luôn tâm niệm một điều “hãy đem lại hạnh phúc cho người khác, hạnh phúc sẽ mỉm cười với chính mình”. Được làm việc trong ngành này, ngay trên mảnh đất mà mình sinh ra, lớn lên là niềm vinh dự, tự hào của chị. “Nghề y là nghề cứu người, đòi hỏi cán bộ, công nhân viên trong ngành phải là người có tâm, có đức và có tài, phải đặt tính mạng con người lên trên tất cả những danh lợi cá nhân”, chị Ngọc chia sẻ.
Với bác sĩ Ngọc, khám bệnh không đơn thuần chỉ để phát hiện “con bệnh” mà còn phải nắm được tâm lý của bệnh nhân. Nhờ vậy, chị hiểu khá rõ về tâm tư, nguyện vọng của người bệnh. Niềm vui lớn nhất của chị chính là được nhìn thấy những gương mặt tươi vui, phấn khởi khi người bệnh qua cơn đau trở về cuộc sống thường ngày. Là một trong những bác sĩ trẻ tuổi nhất của bệnh viện nên bản thân tôi luôn phải cố gắng học tập, trau dồi kiến thức cho mình, đồng thời luôn trăn trở, sống hết mình với nghề,…để xứng đáng với tâm đức của người thầy thuốc “lương y như từ mẫu” - Bác sĩ Ngọc tự hứa với mình.

 

 

Chị NGUYỄN THỊ LÝ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTNVN tỉnh: Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng cần hướng vào giới trẻ
Cồng chiêng là bản sắc văn hóa suốt chiều dài lịch sử của Tây Nguyên, đó chính là biểu tượng ý chí, một phần ngôn ngữ tư duy sống động của các thế hệ đồng bào nơi đây. Hiện nay, để chinh phục được lớp trẻ sinh hoạt văn hóa và chú tâm trong việc bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, thì  tỉnh đang khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho việc truyền dạy các kỹ năng về cồng chiêng tại cộng đồng, cũng như tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các nhà khoa học, các nghệ nhân để tiếp tục nghiên cứu, truyền bá các giá trị đặc sắc của nghệ thuật cồng chiêng gắn với các sinh hoạt cộng đồng đến đông đảo đồng bào các dân tộc, làm cho họ hiểu đầy đủ sâu sắc hơn giá trị của di sản mà họ đang nắm giữ. Ngày 19 - 3 vừa qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức Liên hoan “Đội chiêng măng non và trò chơi dân gian” cho thiếu nhi toàn tỉnh. Trong các đội chiêng nhí của 15 huyện, thị xã, thành phố tham gia so tài thì có đến 86% là học sinh con em đồng bào dân tộc Êđê. Liên hoan là nơi quy tụ các câu lạc bộ, đội, nhóm thiếu nhi, những nhân tố tích cực trong phong trào biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời là dịp để các em được gặp gỡ, giao lưu, vui chơi tạo môi trường lành mạnh giúp các em rèn luyện và học tập.  Tại Liên hoan Thanh niên hát dân ca và Đội chiêng trẻ tỉnh Dak Lak lần I – 2010, vừa qua, nhiều em đã thể hiện được các điệu cồng chiêng có âm hưởng hay, ý nghĩa thu phục được lòng người.
 Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, nhân dân cả nước nói chung có quyền tự hào về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vì đó là tinh hoa có sức hấp dẫn, lay động, mang lại niềm vui cho con người và thăng hoa cho cả vùng cao nguyên hùng vĩ…

 

Hoa Nguyên - Tuấn Anh – Thúy Hồng - Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc