Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III-2011: Cơ hội để quảng bá thương hiệu, nâng tầm cà phê Việt Nam

11:13, 18/02/2011

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III sẽ diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột từ ngày 12 đến 15-3-2011. Đây là cơ hội tốt cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, nâng tầm, tạo điều kiện phát triển bền vững của cà phê Việt Nam nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về sự kiện quan trọng này, phóng viên Báo Dak Lak đã có buổi trao đổi với ông Lý Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đầu tư  - Du lịch tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo kiêm Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III-2011.

-PV: Ông có thể cho biết tầm quan trọng của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đối với sự phát triển của ngành cà phê nói chung và tỉnh Dak Lak nói riêng?

 
*Ông Lý Thanh Tùng: Trong những năm gần đây, cà phê đã trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh với diện tích hơn 184.000 ha, sản lượng hằng năm đạt trên 400.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 600 triệu USD, chiếm  90% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và trên 40% tổng kim gạch xuất khẩu cà phê cả nước, giải quyết việc làm cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp.

Để xứng danh “Thủ phủ cà phê”, chính quyền và người dân Dak Lak đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển cây cà phê một cách bền vững, mang lại những giá trị kinh tế lớn hơn trong tương lai. Năm 2008, Tỉnh ủy Dak Lak đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới, trong đó chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp từ quy hoạch, canh tác, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu cà phê… Hằng năm, trước mỗi vụ thu hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh đều ban hành chỉ thị chỉ đạo việc thu hoạch, chế biến, bảo quản cà phê nhằm nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu.

Để nâng cao vị thế cho cây cà phê, tỉnh đã đưa ra sáng kiến tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là dịp các doanh nghiệp, nhà chuyên môn trong và ngoài nước gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nhà nông và doanh nghiệp… và đặc biệt là tạo cơ hội để quảng bá sản phẩm cà phê của Dak Lak nói riêng, Việt Nam nói chung ra thế giới. Năm 2005 là năm đầu tiên tỉnh tổ chức thành công sự kiện Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ I và được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện lớn của hoạt động thương mại Việt Nam. Tiếp nối thành công đó, năm 2007, tỉnh đã tổ chức Tuần lễ Văn hóa Cà phê tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Năm 2008, tổ chức tiếp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ II và được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện quan trọng của du lịch Việt Nam. Thông qua các Lễ hội này, cà phê chính thức trở thành hình ảnh đầu tiên đại diện cho Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế thế giới, hứa hẹn không những mang lại giá trị vật chất thuần túy mà còn cả giá trị tinh thần, giúp cà phê trở thành “cà phê đạo” với hàng tỷ “tín đồ” trên khắp thế giới.

- PV: Những điểm nổi bật trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III là gì thưa ông?

*Ông Lý Thanh Tùng: Lễ hội lần này có nhiều nét mới, khác biệt so với 2 lễ hội được tổ chức năm 2005 và 2008.
Trước hết là khác về tầm vóc. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận sẽ tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào tháng 3. Và đây là lần đầu tiên Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được đưa vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, có nghĩa là cà phê lần đầu tiên chính thức trở thành hình ảnh đại diện cho Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế ra thế giới. Chính vì vậy trong Lễ hội này, tất cả các nội dung hoạt động của lễ hội đều được “cà phê hóa” nhằm tạo nên một thế giới cà phê nhiều màu sắc và hương vị.

Thứ hai là, Thường trực Chính phủ có trách nhiệm, UBND tỉnh Dak Lak và các tỉnh Dak Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum cùng phối hợp tổ chức thành công Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III-2011. Thêm vào đó, tại Lễ hội lần này, Ban Tổ chức đã mời khoảng 150 vị khách quốc tế đến dự và tham gia Hội thảo cà phê quốc tế với chủ đề “Phát triển ngành cà phê bền vững”, bao gồm đại diện của 20 Đại sứ quán, Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại và Bộ Công thương các nước trồng cà phê trên thế giới cùng 32 tổ chức quốc tế là các hiệp hội cà phê các châu lục, các quốc gia, các ngân hàng, định chế tài chính quốc tế và các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên thế giới đến tham dự.

Thứ tư, trong Lễ hội lần này sẽ tổ chức Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê và các sản phẩm liên quan đến cà phê với quy mô lớn hơn 2 Lễ hội trước, với sự tham gia của trên 500 gian hàng của khoảng 160 doanh nghiệp trong và ngoài nước, giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất, chế biến cà phê đặc thù từng vùng miền, từng quốc gia.

Thứ năm, được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, trong Lễ hội lần này, Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột sẽ đưa vào thí điểm mô hình giao dịch cà phê kỳ hạn. Hy vọng sự kiện này sẽ bổ sung thêm một phương thức kinh doanh cà phê mới tại Việt Nam, nhằm đa dạng hóa các hình thức kinh doanh cà phê tại nước ta.

Thứ sáu, tại Lễ hội lần này, sẽ thiết lập kỷ lục Phin cà phê lớn nhất Việt Nam do Công ty Cổ phần Cát Bình Minh thực hiện nhằm tạo điểm nhấn và ấn tượng về Lễ hội cho du khách.
Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc khác như: Khai trương Bảo tàng cà phê thế giới; Chương trình “Duyên dáng Việt Nam 24” với chủ đề “Huyền thoại cà phê”; Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của các tỉnh Tây nguyên; Tham gia các tour du lịch ngắn ngày, tham quan các khu vườn trồng cà phê…

-PV: Vậy chính quyền và các doanh nghiệp trong tỉnh đã có những chuẩn bị gì để có thể tổ chức thành công Lễ hội?

*Ông Lý Thanh Tùng: Để tổ chức thành công Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III, UBND tỉnh đã lập đề án tổ chức cụ thể, thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và từng tiểu ban chuyên đề (Tiểu ban Nội dung, Truyền thông - Thông tin, An ninh, Tài chính, Hậu cần - Đối ngoại) để thực hiện các phần việc một cách tốt nhất. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tổ chức họp báo tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Dak Lak công bố chương trình hoạt động và các sự kiện chính sẽ diễn ra tại Lễ hội để du khách trong và ngoài nước biết và đến thưởng thức một “bản hòa tấu” của các hương vị cà phê ngay tại “Thủ phủ cà phê”. Hằng tuần, UBND tỉnh đều tổ chức họp để đánh giá những công việc đã làm được, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tỉnh cũng đã thành lập trang thông tin điện tử Lễ hội Cà phê tại hai địa chỉ http://www.lehoicaphe.vnhttp://www.festivalcafe.vn nhằm quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”, quảng bá hình ảnh Buôn Ma Thuột nói riêng và Dak Lak nói chung là vùng trọng điểm của Cà phê Việt Nam; mở rộng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài, nâng cao mức tiêu thụ cà phê nội địa, góp phần phát triển ngành cà phê bền vững... Trang Web trên sẽ được kết nối với Trang thông tin điện tử của các bộ, ngành Trung ương như Bộ Công thương, Thông tin - Truyền thông, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ…

-Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.