Sản phẩm bảo hiểm rủi ro hạn hán cho người trồng cà phê tại Dak Lak: KHÁCH QUAN VÀ CÓ TÍNH MINH BẠCH CAO
Công ty Bảo Minh Dak Lak vừa đưa ra sản phẩm bảo hiểm (BH) nông nghiệp khá mới mẻ: BH rủi ro hạn hán cho người trồng cà phê trên địa bàn Dak Lak theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm BH nông nghiệp giai đọan 2011-2013. Để người trồng cà phê có thông tin thêm về loại hình BH trên, PV Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Phúc - Phó giám đốc Công ty Bảo Minh Dak Lak về tính khả thi và minh bạch của sản phẩm này khi mua BH với công ty.
- Thưa ông, tại sao Bảo Minh lại lựa chọn loại BH này?
* Trước hết phải nói rằng, mục đích của sản phẩm trên là nhằm chia sẻ rủi ro cho người nông dân trồng cà phê trên địa bàn Dak Lak. Trong đó rủi ro hạn hán là mối lo hàng năm, nhất là trong bối cảnh hiện nay, sự biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra ngày càng bất thường và gay gắt. Và chính đó là đối tượng BH của chúng tôi.
- Ông có thể cho biết việc tìm hiểu, xây dựng và đưa ra giới thiệu sản phẩm BH rủi ro hạn hán cho người trồng cà phê Dak Lak được Bảo Minh tiến hành như thế nào. Bởi được biết trước đó, một số đơn vị BH như Bảo Việt Dak Lak cũng đã có sản phẩm BH thí điểm cho vật nuôi như gà, lợn…, nhưng không khả thi?
* Chúng tôi cũng đã biết điều đó! Không khả thi, hay thất bại là do đơn vị BH không thể kiểm soát được đối tượng. Chẳng hạn như gà, lợn khi được BH, người ta còn đeo số, hoặc bấm lỗ cho nó để có thể kiểm soát khi “sự cố” xảy ra, buộc nhà BH phải đền bù theo thỏa thuận. Nhưng trên thực tế lại không như vậy - đối tượng mua BH, bằng cách này hay cách khác đều có sự tác động thiếu khách quan, thậm chí tiêu cực để được đền bù thiệt hại như lấy gà, heo bị dịch bệnh và chết của người khác thay vào để hưởng lợi khiến nhà BH không cách nào kiểm soát nổi và càng không tìm ra được cơ chế để kiểm soát.
Với sản phẩm BH rủi ro hạn hán cho người trồng cà phê, chúng tôi đã khắc phục được điều đó, có nghĩa chúng tôi đã kiểm soát được đối tượng được BH nhờ những thông số kỹ thuật và khoa học mà cơ quan Khí tượng-Thủy văn khu vực Tây Nguyên đưa ra trong chu kỳ BH. Mọi yếu tố tác động từ con người (hay bên ngoài) dù muốn cũng không thực hiện được. Ví dụ: vùng cà phê được BH như Buôn Hồ, chúng tôi xây dựng điểm ngưỡng mùa hạn (được đo bằng lượng mưa) từ 55mm trở xuống trong chu kỳ BH (tính từ 1-3 đến 10-5 hàng năm) mới được bồi thường, còn lượng mưa từ điểm ngưỡng ấy trở lên thì không được, như vậy rõ ràng mọi tác động từ con người (đối tượng BH) hiển nhiên bị loại trừ. Từ đó có thể nói sản phẩm BH này hết sức khách quan và minh bạch. Những yếu tố đó không những cho thấy sự khả thi của sản phẩm, mà còn tạo được lòng tin đối với đối tượng mua BH.
- Vậy Bảo Minh xây dựng những điểm ngưỡng mùa khô hạn cho từng vùng được BH dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
* Chúng tôi thành lập nhóm tư vấn, thiết kế sản phẩm và đã tham khảo, nghiên cứu các thông số kỹ thuật, khoa học từ Trung tâm Khí tượng -Thủy văn khu vực Tây Nguyên đưa ra trong vòng 30 năm qua để xây dựng điểm ngưỡng mùa khô hạn cho từng vùng được BH. Sản phẩm BH này không phải vùng nào cũng được áp dụng, mà phải dựa vào độ “phủ sóng” của các Trạm Khí tượng - Thủy văn tại chỗ để thực hiện và triển khai sản phẩm BH cho người trồng cà phê. Hiện, chúng tôi đang triển khai trên 5 vùng và mỗi vùng cũng được xây dựng điểm ngưỡng mùa hạn khác nhau dựa trên lượng mưa mà các trạm đo được tại đó. Cụ thể vùng Buôn Hồ: điểm ngưỡng là 55mm, Cư M’gar: 32mm, Buôn Ma Thuột: 40mm, cầu 14: 68mm và Krông Ana: 44mm.
- Căn cứ vào những thông số đó để Bảo Minh thực hiện việc đền bù rủi ro cho đối tượng mua BH liệu có thuyết phục không, thưa ông?
* Tất nhiên những thông số trên được đưa ra là hết sức khách quan. Khi lấy thông số đó từ Trung tâm Khí tượng-Thủy văn Tây Nguyên để thanh toán hợp đồng BH còn phải thông qua sự kiểm chứng độc lập của các cơ quan chuyên môn.
- Xin cảm ơn ông !
Ý kiến bạn đọc