Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm:
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để chăm lo tốt hơn cho người khuyết tật
Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp người khuyết tật đã và đang là nhiệm vụ trọng tâm của toàn xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp hành động của các bộ, ngành, địa phương và cả cộng đồng. Tại Hội nghị Tổng kết Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2006-2010, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội NGUYỄN TRỌNG ĐÀM xung quanh vấn đề này.
°Thứ trưởng có thể cho biết một số kết quả đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật?
- Theo thống kê, cả nước hiện có trên 6,7 triệu người khuyết tật, hầu hết họ đều có cuộc sống rất khó khăn. Đề án Trợ giúp người khuyết tật (Đề án 239) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 239/2006/QĐ-TTg ngày 24-10-2006 với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, tăng cường khả năng tiếp cận các chính sách và dịch vụ cho người khuyết tật thông qua việc đánh giá các quy định và luật pháp liên quan, từng bước tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Sau 5 năm triển khai, Đề án đã góp phần làm thay đổi nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội đối với vấn đề khuyết tật và người khuyết tật. Quan trọng hơn, Đề án đã thể hiện được tính nhân văn, khơi dậy truyền thống văn hóa, đạo lý của người Việt Nam, huy động được mọi nguồn lực trong nước, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế cùng chăm lo cho người khuyết tật. Cùng với sự đầu tư ngân sách của Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương và các địa phương, trong 5 năm qua đã có gần 468.000 người khuyết tật được thụ hưởng các chương trình an sinh xã hội, hơn 1.770 người tàn tật vận động được phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng, gần 290.000 trẻ em khuyết tật trong độ tuổi đi học được đến trường. Người khuyết tật đã được quan tâm chăm sóc hơn về y tế, học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, tự tin vươn lên trong cuộc sống…
°Tại Hội nghị các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt tồn tại, hạn chế của Đề án, vậy nguyên nhân chính là do đâu thưa Thứ trưởng?
- Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song công tác trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2006-2010 vẫn thiếu tính bền vững. Nhiều người khuyết tật vẫn chưa được hưởng hoặc được hưởng rất ít chính sách, chế độ trợ giúp của Nhà nước. Tổ chức tự lực của người khuyết tật mới chỉ được thành lập ở 19 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học được đến trường chỉ chiếm hơn 24%. Số người khuyết tật được học nghề chỉ mới đạt 61,6% so với chỉ tiêu của Đề án. Người khuyết tật tiếp cận với các công trình công cộng rất khó khăn. Theo tôi, nguyên nhân trước tiên là do điều kiện kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng về giao thông, y tế, giáo dục - đào tạo của nước ta còn thiếu và yếu nên việc thực hiện các mục tiêu gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí đầu tư cho Đề án tuy có tăng nhưng còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Đồng thời, đội ngũ cán bộ tình nguyện làm công tác xã hội, giáo dục, giúp đỡ, chăm sóc người khuyết tật thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ… Nhưng có thể nói nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là nhận thức của xã hội và lãnh đạo một số địa phương về vấn đề người khuyết tật còn nhiều hạn chế. Công tác quán triệt, triển khai Đề án ở các bộ, ngành, địa phương chưa đồng đều và còn mang tính hình thức. Sự tham mưu, vai trò chủ trì, điều phối của ngành LĐTBXH từ Trung ương xuống địa phương chưa chủ động, tích cực. Sự phối hợp liên ngành chưa tốt. Nhiều cơ quan, tổ chức đoàn thể tham gia chưa thường xuyên, bản thân người khuyết tật còn tự ti, mặc cảm trong khi các tổ chức của người khuyết tật lại chưa làm tốt vai trò phản biện, kiểm tra, giám sát.
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh tặng quà trẻ khuyết tật |
°Vậy theo Thứ trưởng, để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án trong giai đoạn 2011-2020 và thực hiện Luật Người khuyết tật, các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp gì?
- Trên thực tế, trong giai đoạn tới, số lượng người khuyết tật vẫn tăng lên do các nguyên nhân như di chứng của chiến tranh, bệnh tật, tai nạn thương tích… Vì vậy, để thực hiện chiến lược an sinh xã hội, tiếp cận hệ thống an sinh xã hội quốc tế, chăm lo tốt hơn cho người khuyết tật cũng như triển khai thực hiện hiệu quả Luật Người khuyết tật cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Muốn làm được điều này, trước hết phải đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thường xuyên, rộng khắp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội đối với vấn đề người khuyết tật. Các ngành liên quan nhanh chóng xây dựng, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa Luật Người khuyết tật, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thống nhất. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân hạng, phân dạng người khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật. Bên cạnh đó, ngành LĐTBXH cần làm tốt vai trò tham mưu, chủ động xây dựng chương trình hành động, phương pháp huy động các nguồn lực, lồng ghép Đề án 239 với các chương trình, dự án an sinh xã hội khác. Chọn những chỉ tiêu, mục tiêu ưu tiên nhất để tập trung nguồn lực thực hiện. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, xây dựng bộ công cụ đánh giá các chỉ tiêu đạt được và tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả.
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc