Multimedia Đọc Báo in

Dak Lak sẽ là địa phương đầu tiên trong khu vực được quan tâm, hỗ trợ phát triển chuyên ngành tim mạch

16:03, 14/08/2011

Tim mạch là một bệnh lý thời đại, số người mắc bệnh đang ngày càng gia tăng và tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi ngày càng nhiều.  Nhân Hội nghị Tim mạch miền Trung – Tây Nguyên lần thứ VI vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột, phóng viên Báo Dak Lak đã gặp gỡ với GS-TS HUỲNH VĂN MINH, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch miền Trung – Tây Nguyên để tìm hiểu thêm về thực trạng này cũng như việc ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị bệnh lý tim mạch tại khu vực nói chung và tỉnh Dak Lak nói riêng .

*Hiện nay, bệnh tim mạch ngày càng gia tăng, đặc biệt bệnh nhân trẻ tuổi nhiều. Giáo sư có thể cho biết nguyên nhân của thực trạng này?

 
Hiện nay, tình hình tim mạch ở người trẻ có xu hướng gia tăng, đó là một thách thức lớn đối với ngành tim mạch. Nguyên nhân của vấn đề này trước hết là do nền kinh tế-xã hội phát triển quá nhanh dẫn đến những tác dụng ngược về lối sống và ăn uống. Ví dụ, chúng ta sử dụng quá nhiều chất gây rối loạn chuyển hóa, lạm dụng rượu, thuốc lá, ăn mặn… Bên cạnh các yếu tố ngoại sinh vừa nêu còn có các yếu tố nội sinh, đó là bản chất các bệnh tật phát hiện được. Trước đây, ở những người trẻ tuổi không phát hiện được bệnh, đến khi già mới biết mình mắc bệnh và tử vong là do chúng ta chưa bắt kịp các tiến bộ của thời đại. Nhưng bây giờ do sự phát triển của phương tiện kỹ thuật sàng lọc rất sớm, bởi chính việc sàng lọc sớm này giúp phát hiện được bệnh ở độ tuổi khi còn trẻ. Như vậy, trong vấn đề bệnh nhân tim mạch luôn tồn tại 2 lý do, có yếu tố khách quan nhưng cũng có yếu tố chủ quan.

*Bệnh nhân bệnh tim mạch ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên có khác biệt gì không so với các khu vực khác trong cả nước, thưa giáo sư? 

Thông thường ở vùng cao, đặc điểm về sinh lý tác động đến tim mạch có khác so với vùng thấp. Chẳng hạn như, do ảnh hưởng của độ cao, cơ thể phải thích nghi để bù lại tình trạng thiếu ôxy. Càng lên cao thì ôxy càng giảm, nhưng cơ thể chúng ta sẽ có phản ứng tăng nồng độ ôxy lên bằng cách tăng nồng độ hồng cầu. Bên cạnh đó, nhịp tim, huyết áp cũng có ảnh hưởng bởi thời tiết, độ cao. Vấn đề thứ hai là ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đặc biệt là ở Tây Nguyên, người dân vẫn còn tồn tại một số tập tục ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, đó là lối sống khoáng đạt, vô tư, ăn hơi mặn, uống rượu bia hơi nhiều; một bộ phận người dân vẫn còn e ngại khi tiếp cận với các phương tiện hiện đại trong khám chữa bệnh, nhất là với bệnh lý về tim mạch… Điều này dẫn đến tỷ lệ tăng áp và rối loạn nhịp tim trong khu vực khá cao. Thực ra, nếu biết dung hòa giữa 2 mặt là sự trong lành, ít công nghiệp hóa của Tây Nguyên và các tập tục chưa phù hợp thì chắc chắn đời sống sức khỏe và bệnh tật của người dân trong vùng sẽ ít hơn, nhất là vấn đề lây nhiễm, bởi thực tế tỷ lệ tim mạch bẩm sinh của khu vực này không cao, nhưng tỷ lệ bệnh tim do ảnh hưởng từ các yếu tố ngoại sinh lại chiếm tỷ lệ cao so với các vùng khác.

Qua những ca phẫu thuật được thực hiện ngay tại địa phương, nhiều bệnh nhân tim mạch đã được cứu sống. (Ảnh: Kim Oanh)
Qua những ca phẫu thuật được thực hiện ngay tại địa phương, nhiều bệnh nhân tim mạch đã được cứu sống. (Ảnh: Kim Oanh)
*Với tư cách là Chủ tịch Hội Tim mạch miền Trung – Tây Nguyên, giáo sư có đánh giá như thế nào về bước tiến của ngành Tim mạch khu vực nói chung và Dak Lak nói riêng?

Chúng tôi nhận thấy rằng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang có bước chuyển mình so với hai đầu đất nước. Trên thực tế, 2 miền Bắc, Nam phát triển quá nhiều, nếu miền Trung không phát triển sẽ đồng nghĩa với việc tự thụt lùi. Để tự khẳng định mình, miền Trung – Tây Nguyên sẽ phải tranh thủ sự giúp sức của 2 miền Bắc, Nam, tuy nhiên, bản thân khu vực này vẫn phải tự lực cánh sinh, coi nội lực là chính và hỗ trợ bên ngoài là quan trọng, chứ không phải là yếu tố chủ yếu. Có thể thấy rằng, trong thời gian qua, rất nhiều trung tâm tim mạch và các kỹ thuật cao trong lĩnh vực tim mạch được phát triển ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đặc biệt, trong thời gian tới đây, ở Tây Nguyên sẽ triển khai thêm ngành tim mạch can thiệp. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng, vì từ nơi đây nếu chúng ta chuyển bệnh nhân về tuyến trước (TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế…) thì quá xa, trong khi chưa có phương tiện hiện đại để vận chuyển bệnh nhân nên nguy cơ tử vong rất lớn. Và việc triển khai ngành Tim mạch can thiệp tại chỗ sẽ thực hiện được các kỹ thuật tim mạch cao và có thể điều trị, cứu sống được nhiều bệnh nhân tim mạch hơn nữa. Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Dak Lak sẽ là địa phương đầu tiên được quan tâm, hỗ trợ phát triển chuyên ngành Tim mạch bởi nơi đây có Trường Đại học Tây Nguyên đào tạo chuyên ngành Y khoa. Nơi nào có lý thuyết đi trước thì sẽ có cơ sở để phát triển hơn những nơi khác.

*Vậy, sự hỗ trợ từ phía Hội Tim mạch miền Trung – Tây Nguyên cũng như Hội Tim mạch học Quốc gia có tác dụng như thế nào đối với việc nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cộng đồng của ngành Y tế Dak Lak nói chung và lĩnh vực tim mạch nói riêng, thưa giáo sư?

Theo tôi được biết, trong thời gian tới, ngành Y tế Dak Lak sẽ tập trung đầu tư một số mũi nhọn liên quan đến lĩnh vực tim mạch, bởi tim mạch không chỉ là một hội mạnh và hơn nữa nó còn là bệnh lý của thời đại, bệnh lý của thời kỳ phát triển công nghiệp, bệnh lý khi kinh tế - xã hội nước ta có những nét bắt đầu tương đồng với xã hội phương Tây, do đó bắt buộc phải điều chỉnh kịp thời. Trên thực tế, để triển khai một kỹ thuật cao cấp đòi hỏi 3 yếu tố. Yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định nhất là con người,  yếu tố thứ 2 là kinh tế, tức là kinh phí đầu tư. Và yếu tố thứ 3 nữa là để nuôi sống  kỹ thuật cao phải cần đến sự hỗ trợ của Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế cũng như sự ủng hộ của người dân, có nghĩa là người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phải tiếp cận những thành tựu mà ngành Y tế đạt được.  Trong các yếu tố nói trên, yếu tố kinh tế và sự ủng hộ của các ngành liên quan cũng như người dân phụ thuộc vào nội lực của địa phương. Còn với yếu tố quan trọng nhất là con người, về phía Hội sẽ có sự hỗ trợ thỏa đáng. Cụ thể, Hội sẵn sàng tiếp nhận tất cả những cán bộ, nhất là cán bộ trẻ của Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng về học tập, tiếp cận các kỹ thuật cao tại các trung tâm lớn của cả nước như Huế, Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh.

*Xin cảm ơn giáo sư!

Kim Nguyễn (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.