Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống lụt bão cần sự chủ động từ nhiều phía

15:03, 28/08/2011

Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, do đặc thù địa hình, tỉnh có nhiều sông, suối, hồ, trong khi hầu hết các công trình thủy lợi đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Đây là một mối đe dọa lớn cho việc phòng, chống lụt bão ở Dak Dak LAK. Để có cái nhìn khái quát hơn về công tác chuẩn bị ứng phó lụt bão, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN HỮU CHUNG, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai (PCLB - GNTT) tỉnh về vấn đề này.

*Dak Lak là một trong những tỉnh của khu vực miền Trung – Tây Nguyên thường chịu ảnh hưởng của các trận bão, mưa, lũ. Xin ông cho biết nhận định của Ban Chỉ huy PCLB – GNTT tỉnh về tình hình lụt bão trong mùa mưa năm nay, cũng như những biện pháp ứng phó.

 

 

Theo thông tin dự báo, năm 2011 sẽ có 5 - 6 cơn bão đổ bộ vào Việt Nam (nhiều hơn so với năm 2010), tình hình mưa lũ, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có những diễn biến phức tạp. Tại Dak Lak, mùa mưa năm 2011 bắt đầu muộn hơn so với mọi năm. Dự báo lượng mưa lớn tập trung vào tháng 9 và 10, đỉnh lũ lớn nhất năm có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 và đạt trên mức báo động 3. Năm 2011 là năm trong chu kỳ nước lớn nên có khả năng xuất hiện một số đợt mưa to gây lũ lớn và ngập lụt diện rộng trên địa bàn các huyện vùng trũng như Krông Bông, Lak, Krông Ana, Krông Pak và Ea Súp.
Để chủ động ứng phó với các tình huống trong mùa mưa bão nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh đã có Công văn số 1966/UBND ngày 25-4-2011 yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban Chỉ huy PCLB-GNTT tỉnh nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 547/CT-TTg ngày 15-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Sở NN – PTNN có Công văn 435 ngày 28-4-2011 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh về việc đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ năm 2011; Công văn 654, ngày 13-6-2011 yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát đánh giá chất lượng công trình thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là hồ chứa do các công ty cà phê quản lý hầu hết đã bị xuống cấp nghiêm trọng; đồng thời yêu cầu các chủ quản lý công trình có phương án đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du công trình trong mùa mưa lũ. Ngoài việc kiểm tra một số địa phương trọng điểm về lũ lụt, Ban Chỉ huy PCLB - GNTT tỉnh cũng có các công văn yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, chuẩn bị công tác PCLB theo phương châm “4 tại chỗ”.

*Những khó khăn chủ yếu của tỉnh trong công tác PCLB là gì, thưa ông?

Nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp cho công tác PCLB còn ít, nhiều khi chưa kịp thời; ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, nguồn dự trữ thấp, sự huy động, đóng góp của nhân dân ở một số nơi rất hạn chế. Vì vậy, đã gây trở ngại cho công tác PCLB, khắc phục hậu quả mưa lũ, lụt bão, cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, do địa bàn tỉnh rộng, nhiều nơi có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trong khi các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn chuyên dùng còn thiếu về số lượng, chưa hợp về chủng loại nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu PCLB. Một nguyên nhân nữa là tổn thất do mưa lũ, lụt bão gây ra có khi rất lớn nhưng vì thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công tác hỗ trợ, cứu trợ. Thêm vào đó, cán bộ, lực lượng tham gia công tác PCLB tại cơ sở hầu hết đều làm kiêm nhiệm, không chuyên trách, lại thiếu sự đào tạo, bồi dưỡng, luyện tập thường xuyên về kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ PCLB nên việc lập và triển khai kế hoạch, phương án PCLB hằng năm chưa tốt. Ngoài những nguyên nhân trên thì chính ý thức của một bộ phận nhân dân về PCLB chưa cao nên thường chủ quan trước hiểm họa do lũ lụt gây ra, thiếu sự hợp tác với cơ quan chức năng, gây trở ngại cho công tác quản lý trong PCLB cũng như việc huy động công sức, kinh phí để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.  

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn giúp người dân lưu thông tại cầu chữ V (xã Cư Kty, huyện Krông Bông) trong trận ngập lụt năm 2010.                                                                                    Ảnh: N.X
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn giúp người dân lưu thông tại cầu chữ V (xã Cư Kty, huyện Krông Bông) trong trận ngập lụt năm 2010.

*Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCLB – GNTT tỉnh có khuyến cáo gì đối với các địa phương và người dân?

Đối với các địa phương, lãnh đạo cấp huyện, xã cần phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của cấp trên, tích cực triển khai các phương án PCLB đã đề ra. Đồng thời, thực hiện tốt một số công việc như: chú trọng phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương, đơn vị để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác PCLB – GNTT. Chú ý triển khai sản xuất đúng mùa vụ, có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để đề phòng thiệt hại do hạn hán, lũ lụt. Vào mùa mưa lũ cần tổ chức lực lượng trực ban PCLB nghiêm túc, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nhanh chóng cảnh báo thiên tai đến người dân để kịp thời ứng phó. Xác định những vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, hoàn thiện các phương án, kế hoạch, bố trí lực lượng để sẵn sàng đối phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Chú ý công tác kiểm tra, quản lý, đảm bảo an toàn cho các hồ, đập chứa nước và hạ du công trình trong mùa mưa lũ. Tăng cường bảo dưỡng, chuẩn bị nghiêm túc các trang thiết bị PCLB, cứu hộ, cứu nạn, dự trữ thuốc, lương thực, nhu yếu phẩm đầy đủ để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao hiểu biết về phòng, chống thiên tai cho người dân. Chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh sau thiên tai, đề phòng dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm.

Đối với người dân, không nên chủ quan, lơ là mà cần chủ động phòng tránh trước mọi thiên tai; tự giác tìm hiểu để nâng cao hiểu biết về thiên tai, bão lũ; có ý thức bảo vệ các công trình thủy lợi, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; không chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy, tích cực trồng rừng, tăng cường phủ xanh đất trống, đồi trọc để góp phần phòng tránh thiên tai lâu dài.

*Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc