Multimedia Đọc Báo in

Tìm cách tiếp cận, mở rộng thị trường EU

17:23, 04/12/2011

Hiện nay, vấn đề thâm nhập và mở rộng kinh doanh sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) của các DN Dak Lak còn gặp nhiều khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan. Vậy hướng đi nào để khai thác hiệu quả thị trường này? Để hiểu rõ vấn đề này, P.V Báo Dak Lak đã có cuộc phỏng vấn ông Jacques Bouflet, Tham tán công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam tại Hội thảo “Tiếp cận thị trường EU – Tiềm năng cho doanh nghiệp Dak Lak”, do Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phối hợp tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, ngày 25-11 vừa qua.

*Xin ông cho biết một số thông tin về thị trường EU?

Ông Jacques Bouflet trả lời phỏng vấn báo chí.
Ông Jacques Bouflet trả lời phỏng vấn báo chí.
Thị trường khối EU gồm 19 quốc gia với hơn 500 triệu người tiêu dùng, chỉ áp dụng một hàng rào thuế quan trong phạm vi EU, hàng hóa được tự do luân chuyển trong toàn bộ khu vực sau khi vào thị trường này; quyền lợi người tiêu dùng rất được chú trọng. Vì vậy, để hàng hóa thâm nhập được vào thị trường phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe về chất lượng. Các quốc gia EU rất ưa chuộng các loại hàng hóa nông sản Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vì chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh.

*Các DN Dak Lak vẫn đang gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường EU, vậy theo ông, họ phải làm gì để khai thác thị trường này?

Các DN gặp một số khó khăn về vốn, công nghệ, kinh nghiệm và công cụ tiếp cận thị trường. Rất ít DN Dak Lak trực tiếp đến Châu Âu khảo sát, tìm hiểu thông tin về thị trường, thị hiếu khách hàng. Để thâm nhập và đứng vững ở thị trường này, vấn đề quan trọng nhất là các nhà xuất khẩu phải có chiến lược lâu dài cho từng sản phẩm cụ thể, tập trung nâng cao giá trị hàng hóa để có sức cạnh tranh mạnh mẽ theo hướng chất lượng tốt, thân thiện với môi trường, vì đây là thị trường rất khó tính, với những tiêu chuẩn khắt khe. Bên cạnh đó, họ cần phải khai thác tốt lợi thế về chỉ số vùng miền mà các sản phẩm nơi khác không có được, chú trọng các tiêu chuẩn sản xuất; đồng thời, chính quyền và DN phải xây dựng được cơ chế tự bảo vệ sản phẩm của mình trên thị trường quốc tế.

Sản phẩm của Công ty cổ phần thép Đông Nam Á (KCN Hòa Phú - Dak Lak) đã xuất khẩu sang một số nước châu Âu.
Sản phẩm của Công ty cổ phần thép Đông Nam Á (KCN Hòa Phú - Dak Lak) đã xuất khẩu sang một số nước châu Âu.
*Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột vừa bị một doanh nghiệp nước ngoài đánh cắp. Trong tương lai, Dak Lak còn nhiều sản phẩm thế mạnh khác có triển vọng thâm nhập thị trường quốc tế, làm thế nào để tránh tình trạng trên, thưa ông?

Vấn đề quan trọng nhất, bên cạnh chất lượng là phải biết quảng bá thương hiệu ngoài biên giới, thực hiện tốt luật thương mại và tôn trọng các cam kết thương mại quốc tế. Cụ thể, cần đăng ký chỉ dẫn địa lý của sản phẩm ở nước ngoài - nơi có hàng hóa xuất khẩu để được bảo vệ ở phạm vi quốc tế, vì đây là cánh cửa để thâm nhập thị trường Liên minh Châu Âu; đồng thời phải có cơ chế tự bảo vệ cho sản phẩm của mình. Các DN thường ít để ý đến điều này vì họ nghĩ rằng chỉ dẫn địa lý được công nhận ở trong nước thì cũng mặc nhiên được công nhận ở nước ngoài. Chính phủ Việt Nam và các DN cần tiến hành các bước để hàng hóa của mình được thừa nhận trên trường quốc tế cả về bản quyền thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.

*Liên minh Châu Âu sẽ có hỗ trợ gì cho các DN Việt Nam mở rộng thị trường này?

Chúng tôi luôn có cơ chế mở cho các DN tự do thương mại trên thị trường EU, các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn vào thị trường này sẽ được bảo vệ bằng các quy định thương mại. Với các DN Việt Nam, EU cam kết sẽ trao đổi, cung cấp thông tin về thị trường qua các công cụ tiếp cận, hỗ trợ về thủ tục pháp lý nhằm mở rộng thị trường sang Châu Âu, đặc biệt là hàng nông sản.

Minh Thông (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc