Nhân Ngày thế giới phòng chống lao 24-3: Dak Lak hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2027
Từng bị xem là một trong “tứ chứng nan y”, song đến nay, tại Việt Nam, bệnh lao đã chữa được và có thể được loại trừ ra khỏi đời sống xã hội trong thời gian không xa nữa. Vậy, những yếu tố nào đã, đang và sẽ tạo nên điều “kỳ diệu”ấy?! Bác sĩ Trần Vinh, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Dak Lak đã chia sẻ với Báo Dak Lak về vấn đề này.
*Thưa bác sĩ, hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao, Việt Nam đã chọn tháng 3 là Tháng hành động quốc gia phòng chống lao. Bác sĩ có thể giới thiệu về mục tiêu, ý nghĩa của Tháng hành động này?
Ngày 18-3, Chương trình Chống lao quốc gia đã phát động Tháng hành động quốc gia phòng chống lao với chủ đề “Vì Việt Nam không còn bệnh lao” để hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3 năm nay. Mục tiêu của Tháng hành động nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng về tình hình bệnh lao và công tác phòng chống lao; truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao và huy động sự tham gia của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng vào hoạt động phòng chống lao; đồng thời tăng cường cam kết của chính quyền về đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống lao… Có thể nói, thông qua việc lựa chọn chủ đề “Vì Việt Nam không còn bệnh lao” là để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phòng, chống lao trên diện rộng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu chung của cả nước là phấn đấu đến năm 2015 giảm 50% số bệnh nhân lao so với năm 2000, khống chế tỷ lệ bệnh nhân lao kháng đa thuốc bằng mức năm 2010 và thanh toán bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030.
* Theo bác sĩ, cơ sở nào để Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ thanh toán được bệnh Lao?
Việc xây dựng mục tiêu này được dựa trên những cơ sở vững chắc, đó là: công tác phòng, chống lao được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đẩy mạnh xã hội hóa hệ thống y tế phát triển từ trung ương đến tận xã, thôn, buôn, đặc biệt là mạng lưới phòng chống lao hoạt động tương đối tốt. Ngoài ra, chúng ta có những trang thiết bị mới và thuốc mới giúp cho việc phát hiện bệnh lao sớm và điều trị có hiệu quả. Trước đây, để phát hiện vi khuẩn lao phải dựa vào soi đờm trực tiếp và nuôi cấy trong môi trường đặc, thời gian phát hiện kéo dài (28 ngày) nhưng tỷ lệ không cao. Sau này chuyển sang nuôi cấy trong môi trường lỏng, thời gian phát hiện giảm xuống một nửa, chỉ còn 14 ngày. Nhưng giờ đây, đã có máy phát hiện được vi khuẩn lao trong 2 giờ đồng hồ, thậm chí còn phát hiện được vi khuẩn đó kháng với Riphammyxin. Thời gian phát hiện nhanh giúp chúng ta xác định được bệnh nhân lao nhanh, từ đó điều trị sớm, giảm thiểu nguồn lây. Hiện đã có vắc xin phòng lao mới tốt hơn vắc xin BCG (Bacirrus Calmette Guerin) và khắc phục được hạn chế của vắc xin BCG (vắc xin BCG chỉ bảo vệ được các lao nặng cho trẻ em như lao kê, lao màng não, lao xương khớp, nhưng khi trẻ lớn lên vẫn bị mắc lao và vẫn có thể lây cho người khác). Thuốc chữa lao cũng có loại mới, trước đây để điều trị hoàn thành phải cho một bệnh nhân lao phải mất 24 tháng, sau đó giảm xuống 18 tháng, rồi lần lượt giảm còn 12 tháng, 9 tháng, 8 tháng, 6 tháng và sắp tới Việt Nam sẽ áp dụng phương pháp điều trị tiên tiến của thế giới với thời gian điều trị được rút ngắn còn 4 tháng.
* Được biết, Dak Lak đã đặt ra mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2027, hoàn thành trước mục tiêu chung của cả nước 3 năm. Bác sĩ có thể cho biết mục tiêu này được xây dựng dựa trên những điều kiện nào?
Dak Lak là trung tâm văn hóa, chính trị của Tây Nguyên, kinh tế Dak Lak phát triển tốt hơn các tỉnh khác, dịch tễ lao ở Dak Lak lại không cao hơn các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hơn nữa, mạng lưới y tế ở Dak Lak phát triển tương đối tốt, đến thời điểm này, gần 100% xã, phường đã có bác sĩ, đặc biệt, mạng lưới chống lao hoạt động rất có hiệu quả. Đây là những điều kiện thuận lợi kết hợp với các điều kiện chung của cả nước sẽ giúp cho Dak Lak đạt được chỉ số loại trừ bệnh lao vào năm 2027.
* Những bước tiến và những việc làm cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu đó là gì, thưa bác sĩ?
Tuy Bệnh viện lao và bệnh phổi của tỉnh mới hình thành nhưng hoạt động phòng chống lao ở Dak Lak đã được thực hiện từ nhiều năm qua và đạt hiệu quả cao. Thông qua các hoạt động truyền thông, nhận thức của người dân trên địa bàn về bệnh lao ngày càng được nâng cao thể hiện ở số bệnh nhân đến bệnh viện khám và điều trị nội trú ngày càng tăng. Đây là sự đổi thay lớn, bởi trước đây, người dân rất sợ bệnh lao, khi nghi ngờ bị mắc lao họ không dám đến khám ở bệnh viện công mà chỉ đi khám tư hoặc mua thuốc về tự điều trị và giấu bệnh. Trong công tác chuyên môn, ngành Y tế đã áp dụng các phương pháp mới, thuốc mới vào trong quá trình phát hiện vi khuẩn lao và điều trị bệnh nhân lao. Đặc biệt, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi đang chuẩn bị triển khai phương pháp mới để rút ngắn thời gian phát hiện vi khuẩn lao từ 28 ngày xuống còn 14 ngày. Là nơi chỉ đạo tuyến của khu vực Tây Nguyên, trong tương lai không xa, Dak Lak sẽ được trang bị máy phát hiện vi khuẩn lao sau 2 giờ. Đây sẽ là cơ hội tốt để phát hiện sớm vi khuẩn lao, từ đó cách ly bệnh sớm và giảm được nguồn lây nhanh. Ngoài ra, một trong những điều kiện khá quan trọng là đội ngũ cán bộ y bác sĩ làm công tác phòng, chống lao của Dak Lak đang và sẽ tiếp tục được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng mục tiêu thanh toán bệnh lao trên địa bàn trong vòng 10 – 15 năm tới.
* Xin cảm ơn bác sĩ !
Kim Oanh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc