Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

09:04, 20/03/2012

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) có chức năng đặc thù, không chỉ bảo vệ quyền lợi của hội viên mà còn nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đông đảo NTD. Bên lề Hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý về bảo vệ quyền lợi NTD” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Dak Lak, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng một số tỉnh đã trao đổi về vấn đề nâng cao vai trò, vị thế để tổ chức Hội thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của NTD.

ªÔng Văn Hữu Định, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD tỉnh Bình Định:

Tạo sự tương tác nhanh nhạy, kịp thời giữa tổ chức Hội và NTD

Trước tình hình giá cả, chất lượng hàng hóa tiêu dùng các loại có nhiều biến động, khó kiểm soát như hiện nay, Hội Bảo vệ NTD địa phương phải rất nỗ lực trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NTD, đồng thời có thể cùng các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và đề xuất những giải pháp xử lý thích hợp với những hành vi vi phạm quyền lợi đó. Trước mắt, trong điều kiện nguồn kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, Hội chọn những điểm nhấn trong tổ chức sao cho có tác động nhanh và hiệu quả tới đối tượng. Trên địa bàn tỉnh Bình Định có khá nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động tập trung ở những khu, cụm công nghiệp với số lượng công nhân khá lớn. Do đó, đối tượng NTD được Hội hướng đến chính là ở những DN này. Trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình, Hội phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ DN về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa, kết hợp tuyên truyền về công tác bảo vệ NTD đến cấp lãnh đạo DN, khi cấp lãnh đạo đã “thông” thì việc triển khai cho công nhân toàn đơn vị cũng sẽ “thoáng”, tiết kiệm thời gian mà vẫn mang lại hiệu quả cao. Đơn cử như khi tiến hành khảo sát thực trạng sản xuất kinh doanh gas trên địa bàn, Hội tổ chức hội thảo để kịp thời thông tin đến đông đảo NTD là công nhân. Hội cũng phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường đưa hàng giả, hàng nhái vào trưng bày đối chứng với hàng thật, bảo đảm chất lượng tại những hội chợ thương mại lớn của tỉnh để NTD dễ dàng có cơ hội so sánh, kiểm chứng, qua đó  giới thiệu rộng rãi về tổ chức Hội đến NTD. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, Hội đã phát triển được hơn 3.500 hội viên, chủ yếu ở doanh nghiệp thủy sản, lâm nghiệp. Thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng NTD ở các chợ, siêu thị…

ªÔng Đặng Văn Hoai - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Vĩnh Long:

Gây dựng niềm tin ở NTD đối với tổ chức Hội

Thời gian qua tại tỉnh Vĩnh Long, không phải NTD không đấu tranh cho quyền lợi của mình nhưng cơ bản họ chưa nắm rõ pháp luật, chưa biết mình phải làm gì, “kêu ai”, khiếu nại ở đâu trước những hành vi gian lận của các nhà sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, họ nghĩ cũng chẳng cần quan tâm đến những thông tin cơ bản ghi trên bao bì, sản phẩm, kiểm tra hạn sử dụng, xem xét hàng hóa trước khi quyết định chọn mua hay yêu cầu phải có hóa đơn, chứng từ khi mua… do đó quyền lợi NTD chưa được bảo đảm một cách đầy đủ. Trên thực tế, từ cuối năm 2010, khi Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ NTD và kịp thời giải quyết khiếu nại có liên quan thì NTD có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về những quyền lợi hợp pháp của mình. Đặc biệt, một số vụ khiếu nại được giải quyết thành công đã nhân lên niềm tin của đông đảo NTD địa phương đối với tổ chức Hội, ngày càng có nhiều NTD tìm đến để trao đổi, nhờ can thiệp kịp thời khi bị xâm hại quyền lợi. Qua đó đã mang lại những thành công bước đầu cho công tác bảo vệ quyền lợi NTD ở Vĩnh Long. Thời gian tới Hội sẽ chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân thực sự quan tâm đến Luật Bảo vệ NTD và quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tiếp tục triển khai tập huấn các nội dung về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cho các DN hiểu đúng, đủ các quy định, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của DN trong công tác bảo vệ NTD.

ªÔng Nguyễn Văn Lưỡng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Tiền Giang:

Coi trọng việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD

Luật Bảo vệ NTD ra đời là tấm lá chắn hữu hiệu nhất bảo vệ quyền lợi NTD. Điều tôi tâm đắc là theo quy định, khi xảy ra tranh chấp và giải quyết tranh chấp tại tòa, NTD không có nghĩa vụ phải chứng minh lỗi của nhà cung cấp, mà ngược lại nhà cung cấp phải có nghĩa vụ chứng minh rằng mình không có lỗi gây ra thiệt hại. Theo tôi, đây là một quy định hết sức quan trọng và đặc biệt có ý nghĩa để bảo vệ quyền lợi của NTD, giúp việc giải quyết khiếu nại trở nên thông thoáng và đỡ phiền hà hơn rất nhiều. Từ khi quy định này được áp dụng, NTD trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã “thoát” khỏi tâm lý e dè, ngại phiền toái mà mạnh dạn khiếu nại lên Hội, cấp thẩm quyền các hành vi vi phạm của nhà sản xuất, phân phối đã đưa đến cho mình một hoặc nhiều sản phẩm gian dối, kém chất lượng, nhất là các mặt hàng điện tử, điện thoại di động, máy tính… Trước đây, có NTD mua một chiếc điện thoại di động về nhưng không sử dụng được, mang lên cửa hàng bảo hành năm lần bảy lượt không xong, nhà phân phối thì không nhận lỗi kỹ thuật về mình. Bản thân họ lại không hiểu gì về điện tử nên thiệt hại vẫn thuộc về NTD. Từ khi vụ việc được khiếu nại lên Hội, thì bên phía đại lý phân phối có trách nhiệm chứng minh hàng hóa của mình không mắc lỗi về kỹ thuật, và tiến hành giải quyết thỏa đáng với NTD… Tuy nhiên, không phải NTD nào cũng mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho mình, trên thực tế vẫn còn một bộ phận nhỏ NTD không nắm rõ các quyền lợi hợp pháp của mình nên hiệu quả của luật chưa cao, và quyền lợi của bản thân vẫn bị xâm hại. Vì vậy, Hội đã xúc tiến thành lập ngay các hội cơ sở  tại 10/10 huyện của Tiền Giang và sẵn sàng tư vấn, tiếp nhận khiếu nại của NTD. Bên cạnh đó, trong công tác tuyên truyền, các tổ hòa giải của Hội luôn trực tại Ban Quản lý các chợ trong tỉnh phát sẵn các đơn khiếu nại cho NTD và hướng dẫn họ cách điền thông tin, quy trình, cách thức, đơn vị chức năng để họ khiếu nại nếu gặp phải sản phẩm hàng hóa kém chất lượng…

Hoa Hồng - Đỗ Lan (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc