Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện môi trường kinh doanh từ kết quả PCI - chiếc nhiệt kế đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp

10:28, 31/07/2012

Năm 2011, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Dak Lak đã sụt giảm không phanh khi chỉ được 53,46 điểm, giảm 20 bậc so với năm 2010 và đứng thứ 58/63 tỉnh thành trên cả nước. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng ban Pháp chế VCCI, PCI là chiếc nhiệt kế đánh giá cảm nhận doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại địa phương...

* Với thứ hạng 58/63, trong 9 chỉ số xếp hạng PCI, Dak Lak có nhiều chỉ số đạt thấp. Vậy theo ông chỉ số nào Dak Lak cần đặc biệt lưu ý để có sức nặng cải thiện kết quả này?

-  Quả thật, theo kết quả điều tra PCI năm 2011, Dak Lak không có chỉ số nào đạt cao, rất nhiều lĩnh vực, số điểm đạt thấp, chẳng hạn một loạt chỉ số như tính minh bạch, tính năng động của chính quyền địa phương, đào tạo lao động. Tôi đặc biệt lưu ý hai chỉ số là đào tạo lao động và tính minh bạch, Dak Lak nên chú trọng vì nó có ảnh hưởng lớn đối với doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. PCI có thể coi là chiếc nhiệt kế đánh giá cảm nhận doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại địa phương.

* Ông nhận định như thế nào với kết quả từ chiếc nhiệt kế này?

- Kết quả PCI năm 2011 của Dak Lak có thể cho suy nghĩ doanh nghiệp đang rất khó khăn, vướng mắc trong kinh doanh tại đây. Không ai phủ nhận Dak Lak có tiềm năng về vị trí địa lý là trung tâm vùng, hạ tầng có sự cải thiện nhanh chóng nhưng kết quả điều tra cho thấy rõ ràng sự vận hành của bộ máy chính quyền theo cảm nhận của doanh nghiệp cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Có thể “tín hiệu” từ cấp trên chưa rõ ràng, sự năng động quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sở ngành, doanh nghiệp chưa cảm nhận được. Và đó chính là một hạn chế, nói cách khác, có chủ trương, chương trình, có thông tin, cơ chế hỗ trợ nhưng phải đến được với doanh nghiệp. Tất nhiên điều này đòi hỏi thời gian và cả sự vận hành tốt của bộ máy chính quyền cấp dưới.  

* Như vậy, một lần nữa lại tiếp tục ghi nhớ câu chuyện cần có sự gắn kết, tăng cường đối thoại giữa các cấp chính quyền và doanh nghiệp, thưa ông?

-  Đúng vậy, cụ thể cần có sự gắn kết hơn giữa hành động của các cấp chính quyền với nhu cầu của doanh nghiệp.

* Qua kinh nghiệm điều tra thực tế ở các địa phương, ông có thể chia sẻ một vài mô hình hay để cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp?

-  Có nhiều mô hình hay mà chúng tôi trong chuyên môn gọi là “thực tiễn tốt” để có thể tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn như Lào Cai, một tỉnh miền núi, chưa có những ưu việt về hạ tầng nhưng đã xây dựng được cổng thông tin đối thoại với quy chế bắt buộc sở, ngành phải trả lời ý kiến của doanh nghiệp trong vòng 3 ngày sau khi tiếp nhận; hay mô hình cà phê doanh nhân của Đồng Tháp, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể nói thẳng nói thật, trên cơ sở đó chính quyền nắm bắt và có biện pháp xử lý, tháo gỡ kịp thời, thiết thực.

* Xin cảm ơn ông!

Thuần Thuận (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.