Multimedia Đọc Báo in

Công tác chuẩn bị phòng, chống lụt bão đã sẵn sàng !

12:57, 25/08/2013

Năm 2013 được đánh giá là năm có diễn biến thời tiết khá phức tạp, mưa bão sẽ tập trung mạnh vào dịp cuối năm gây nhiều thiệt hại khôn lường. Đến nay, công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão trên địa bàn tỉnh đã và đang được các ngành, các cấp chuẩn bị tích cực. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN HỮU CHUNG, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai (PCLB - GNTT) tỉnh.

°Được biết, mùa mưa bão hằng năm xảy ra trên địa bàn tỉnh đã gây nhiều thiệt hại cả về người và của, vậy công tác tổ chức PCLB và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các cấp đã được chuẩn bị, kiện toàn như thế nào, thưa ông?

Tình hình thiên tai, lụt bão trên địa bàn tỉnh diễn ra hằng năm và gần như không tránh khỏi, tuy nhiên, mức độ thiệt hại như thế nào lại phụ thuộc chủ yếu vào ý thức phòng tránh của cộng đồng và công tác chuẩn bị ứng phó của các cấp chính quyền địa phương. Trong thời gian qua, công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả góp phần hạn chế mức độ rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Cụ thể: Hằng năm công tác tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB và TKCN cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được thực hiện đúng quy định theo Nghị định 14 của Chính phủ; hoạt động của Ban chỉ huy các cấp ngày càng có tính chuyên nghiệp hơn; tổ chức công tác trực ban nghiêm túc theo quy định; Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ PCLB và TKCN giữa các cấp, các ngành ngày càng chặt chẽ mang lại hiệu quả cao trong công việc; hằng năm Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã tổ chức được các lớp tập huấn về nâng cao nhận thức cộng đồng phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai cho cán bộ cấp xã và thôn, buôn, nhằm nâng cao năng lực công tác của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở làm công tác PCLB; Chính quyền các cấp đã quan tâm nhiều hơn về công tác PCLB; Yếu tố phòng chống thiên tai được lồng ghép trong các dự án phát triển kinh tế, xây dựng công trình... Lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn hằng năm được tập huấn kỹ thuật và diễn tập tình huống để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ khi có thiên tai.

Mưa lũ thường gây nhiều thiệt hại đến đời sống và sản xuất của người dân.
Mưa lũ thường gây nhiều thiệt hại đến đời sống và sản xuất của người dân.

°Hiện nay tình hình thời tiết vẫn tiếp tục có diễn biến thất thường, vậy cơ quan thường trực đã nhận định và có hướng chỉ đạo như thế nào trong công tác phòng chống lụt bão?

Mùa mưa năm 2013 bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm và tập trung mạnh vào những tháng cuối năm, kéo theo đó, khoảng tháng 10-11 có khả năng sẽ xuất hiện lũ lớn, mực nước các sông, hồ sẽ tăng cao hơn so với nhiều năm trước đó. Vì vậy, căn cứ theo điều kiện tự nhiên, đặc điểm địa hình của từng vùng trong tỉnh, thì cũng như mọi năm, mưa bão sẽ gây ảnh hưởng nặng nhất tại các huyện M’Drak, Ea Kar, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ; tình hình ngập lụt tại các huyện Ea Súp, Krông Bông, Krông Ana, Cư Kuin, Lak, Krông Pak và Ea Kar diễn ra khá nghiêm trọng; riêng đối với lũ quét và sạt lở thì các huyện Krông Năng, Cư M’gar, M’Drak, Lak, Krông Bông, Ea H’leo, Krông Buk, Buôn Đôn cần đặc biệt chú trọng đề phòng hơn cả.

Hiện nay, Ban Chỉ huy PCLB-GNTT tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đơn vị trong tỉnh lập kế hoạch công tác PCLB năm 2013, chú trọng các vấn đề như rà soát, quản lý trang thiết bị PCLB; tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông; khuyến cáo nhân dân tăng cường các biện pháp phòng tránh thiên tai và thực hiện phương châm 4 tại chỗ và chủ động bố trí kinh phí PCLB từ ngân sách địa phương. Kế đến, xây dựng phương án PCLB và TKCN trên địa bàn tỉnh sát với đặc điểm thiên tai và điều kiện của từng vùng để trình UBND tỉnh phê duyệt; rà soát lực lượng, trang thiết bị phục vụ PCLB do các đơn vị quản lý nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo và hỗ trợ ứng cứu kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Chỉ đạo đơn vị làm nhiệm vụ Tìm kiếm cứu nạn tập huấn kỹ thuật và diễn tập tình huống cứu hộ, cứu nạn.

°Thưa ông, các công trình thủy lợi luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác PCLB - GNTT. Tuy nhiên, nhiều công trình thủy lợi hiện nay trên địa bàn tỉnh đang bị hư hỏng hoặc xuống cấp chưa được sửa chữa nâng cấp. Đây có phải là vấn đề khó khăn trong công tác PCLB-GNTT năm nay ở tỉnh ta không? Và giải pháp cho vấn đề này như thế nào?

Toàn tỉnh hiện có 545 hồ chứa nước lớn nhỏ với dung tích trữ gần 2 tỷ m3 nước/năm. Hệ thống hồ đập trên địa bàn tỉnh, ngoài các hồ thủy điện, hồ thủy lợi được xây dựng trong từ năm 1976 đến nay thì sau thời gian khai thác, nhiều công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có một số công trình bị hư hỏng nặng không bảo đảm an toàn khi có mưa lũ lớn. Do đó, không bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành, đặc biệt có nguy cơ sự cố vỡ đập xảy ra trong mùa mưa lũ là vấn đề khó khăn trong công tác phòng chống lụt bão của tỉnh. Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã phối hợp với Sở NN-PTNT chỉ đạo các địa phương rà soát báo cáo các danh mục công trình thủy lợi không bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm 2013 báo cáo UBND tỉnh (hiện phát hiện có 17 danh mục công trình), tuy nhiên việc bố trí kinh phí khắc phục sửa chữa là rất khó khăn.

       Trước tình hình cấp bách về công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về công tác phòng chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013, trong đó có nội dung yêu cầu các địa phương, các chủ quản lý công trình thủy lợi kiểm tra hiện trạng công trình, xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt đối với các công trình xung yếu cần xây dựng phương án tích nước hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình cũng như an toàn cho vùng hạ du công trình. Hiện nay, công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn về cơ bản đã được chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng, sẵn sàng đối phó và khắc phục hậu quả tình hình mưa lũ sắp tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Thành (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc