Những con mối dù nhỏ...!!!
Năm 2018 chuẩn bị khép lại. Đây cũng là thời điểm các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, địa phương tập trung tổng kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ và xếp loại chất lượng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; là một dịp quan trọng để tự soi rồi tự sửa sau một năm hoạt động, thực thi công vụ. Nhân dân cũng kỳ vọng từ cuộc tổng kết kiểm điểm thường niên này, bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị thêm một lần được định kỳ kiểm tra “sức khỏe” để phát hiện và kịp thời ngăn chặn những biểu hiện của căn bệnh tham nhũng.
Với nhiều kết quả và dấu ấn trong phòng chống tham nhũng thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ khẳng định quyết tâm và chứng minh “không có vùng cấm” trong công tác này bằng nhiều vụ án lớn đã được phát hiện và xử lý nghiêm, trong đó có cả cán bộ cao cấp, cán bộ đương chức và nghỉ hưu. Không sung sướng gì khi kỷ luật đồng chí mình nhưng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Niềm tin của nhân dân được bồi đắp thêm khi công tác phòng chống tham nhũng đã gắn với công tác cán bộ.
Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: VOV |
Bởi quy định về cán bộ, công chức thiếu chặt chẽ tất dẫn tới tham nhũng trong công tác bổ nhiệm và hệ lụy theo nó là thế hệ tham nhũng thứ “n” cứ thế mà sinh sôi khi người ta lo “chạy” để nắm được quyền lực trong tay thì sẽ tìm cách thu hồi vốn và lợi ích cá nhân.
Nhưng cuộc chiến này sẽ còn rất cam go và phức tạp khi chúng ta nhận diện hiện tượng tham nhũng không còn chỉ dừng lại ở những người có chức vụ, quyền hạn lớn mà nhức nhối, khó triệt tận gốc không kém là nạn “tham nhũng vặt”. Tổng kết công tác phòng chống tham nhũng năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá tình hình tham nhũng năm 2018 vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng “tham nhũng vặt”. Nhũng nhiễu, tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi nhất là trong khu vực hành chính, dịch vụ công, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Tham nhũng biểu hiện và biến tướng tinh vi; “vặt” nhưng nhiều người ra tay, ngấm ngầm hình thành hệ thống để phá hoại tổ chức thì không thể xem thường và không còn là “vặt” nữa. Những con mối dù nhỏ nhưng có sức tàn phá cả một con đê to, một công trình lớn. “Tham nhũng dù vặt” chỗ này một ít, chỗ kia một tẹo, tưởng nhỏ, có đáng gì so với những vụ đại án thất thoát tiền tỷ nhưng sức gặm nhấm của căn bệnh này thì cực kỳ nguy hại. Đó là sự tha hóa về phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đảng viên và lung lay niềm tin của nhân dân với Đảng.
Singapore được coi là một hình mẫu về thực hiện giải pháp nổi tiếng "4 không với tham nhũng": Không dám, không thể, không cần và không được tham nhũng. Dù chưa thể đạt được như hình mẫu lý tưởng ấy nhưng điểm mấu chốt, căn cơ để hạn chế “đất sống”, sức lây lan của loài mối mọt tham nhũng thì không phải chúng ta không thể không làm, ấy là siết chặt quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ phải công khai minh bạch trong thông tin, trong công tác cán bộ - điều mà hầu như vẫn bị coi là thiếu sót chứ không phải vi phạm pháp luật.
Và câu chuyện đánh giá, kiểm điểm, kiểm tra, thanh tra theo chuyên đề hay định kỳ sẽ thật sự có giá trị và ý nghĩa, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những dấu hiệu của bệnh tham nhũng nếu công tác này thực hiện khách quan, trung thực, không bình quân chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Công tác kiểm tra, giám sát là một phương thức hữu hiệu để xây dựng và hình thành nhân cách người cán bộ, đảng viên, hạn chế những sai lầm khuyết điểm. Nhưng sẽ là con dao hai lưỡi, là cơ hội để “tham nhũng chồng tham nhũng” nếu công cụ ấy bị lợi dụng và sử dụng không đúng mục đích.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc