Multimedia Đọc Báo in

Đừng "tự hại mình"

08:59, 29/05/2019

Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa ra những cảnh báo về tác hại của tôm hùm đất (tôm càng đỏ) không khỏi khiến nhiều người lo ngại.

Theo Bộ NN-PTNT, tôm hùm đất là loài thủy sinh nguồn gốc ngoại lai có hại, ăn tạp, sống rất khỏe, ưa đào hang, hoạt động về đêm và có sức chống chịu, thích nghi cao. Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác. Bộ này cũng khẳng định loài tôm hùm đất không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.

Thế nhưng tình trạng mua bán loài vật này vẫn âm thầm diễn ra. Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục bắt giữ những vụ vận chuyển, mua bán tôm hùm đất. Mới đây nhất, vào ngày 25-5, trên Quốc lộ 1A (thuộc địa phận xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn), cơ quan chức năng đã phát hiện ô tô khách biển số Hà Nội chạy hướng Lạng Sơn - Hà Nội, trên xe chở 3 thùng xốp, bên trong đựng 49 kg tôm hùm đất đều còn sống. Và ai dám chắc rằng, loại vật này không phát tán ra môi trường tự nhiên. Lúc ấy hậu quả khôn lường đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bài học con ốc bươu vàng đang còn đó, đã hàng chục năm mà đến nay vẫn chưa thể xử lý xong hậu quả. Việc liên quan con ốc bươu vàng có thể do thời điểm nó xuất hiện, được đưa vào trong nước đã không được cơ quan chuyên môn nhận thức đúng để có sự cảnh báo kịp thời. Thậm chí thời gian đầu, loài ốc này còn được xem là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ đến khi ốc đã tràn lan trên đồng ruộng, sinh sôi không kiểm soát được, phá hoại mùa màng nghiêm trọng thì lúc ấy mới “đánh giá”. Thế nhưng đối với con tôm hùm đất, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải trả giá vì tác hại mà nó gây ra khi đưa vào nuôi.

Tại Việt Nam, những nguy hại mà tôm hùm đất gây ra đã được cơ quan chuyên môn cảnh báo, nêu ra những chế tài cụ thể như trên mà vẫn còn tình trạng nhập lậu, kinh doanh. Trong nhiều nhà hàng, quán ăn hải sản, đâu đó thực khách vẫn được đáp ứng món ăn chế biến từ loại tôm này nếu có nhu cầu. Thậm chí là trên một số trang mạng xã hội giới thiệu về ẩm thực còn phổ biến tôm hùm đất như một thứ “đặc sản”. Mặc dù chưa có tình trạng nuôi đại trà, nhưng ở một số gia đình đã nuôi tôm hùm đất như một loài sinh vật cảnh, nên không khó để loài thủy sinh nguy hại này phát tán ra sông suối...

Do đó, cùng với việc kiên quyết ngăn chặn tôm hùm đất xâm nhập vào nội địa, cơ quan chức năng cũng cần siết chặt quản lý việc mua - bán loài động vật nguy hại này ở trong nước. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao nhận thức của mình,  phải biết “nói không" với tôm hùm đất nếu không muốn “tự hại mình” chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.