"Điểm đen" trong ý thức
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm được tổ chức vừa qua, tai nạn giao thông được đánh giá là giảm cả ba tiêu chí.
Tuy nhiên, những vụ tai nạn xảy ra lại rất nghiêm trọng và đều có chung một nguyên nhân: người điều khiển ô tô không tỉnh táo, không làm chủ được phương tiện. Có nhiều bất cập đã được chỉ ra trong công tác quản lý, tạo kẽ hở cho những người thiếu ý thức “có đất” để không chấp hành hoặc cố tình lách luật. Đó là: chế tài đối với lái xe vi phạm về nồng độ cồn, dùng ma túy còn nhẹ; quy trình kiểm tra xử lý lái xe dùng ma túy mất nhiều thời gian. Hơn thế, việc kiểm tra sức khỏe đều do lái xe tự đi khám, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng, dễ xảy ra gian lận. Thế nên đã có lái xe nhờ cả người lấy hộ mẫu nước tiểu. Ðối với xe quá khổ, quá tải, có chuyện chủ xe còn thuê người giám sát hoạt động của lực lượng chức năng để trốn tránh…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gọi đó là “điểm đen” thuộc về ý thức, ý thức thiếu văn minh và thiếu chấp hành pháp luật và nó còn nguy hiểm hơn cả những “điểm đen” trên đường. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đâu phải chỉ có kết cấu hạ tầng, đường sá, hệ thống tín hiệu... mà quan trọng có thể xem như hàng đầu là thái độ và ý thức tuân thủ quy định về tham gia giao thông của mỗi người.
Cảnh sát giao thông tỉnh kiểm tra nồng độ cồn một số trường hợp điều khiển phương tiện cơ giới trên Quốc lộ 26 (đoạn qua địa bàn thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc). Ảnh: Thế Hùng |
Ấy là chuyện giao thông, một vấn đề “nóng” hiện nay nữa là trong công tác phòng chống dịch bệnh trên người và động vật, người ta cũng không khó để bắt gặp những “điểm đen” thuộc về ý thức này. Bằng chứng là khi dịch bệnh tả heo châu Phi bùng phát, cả ngành chức năng và nhiều người chăn nuôi vất vả chống dịch thì chẳng ít người không hiểu do cố tình hay vô ý vì thiếu hiểu biết, vẫn hành động một cách thiển cận là quăng xác heo chết ra sông, ra suối. Cứ như thế thì làm sao dập dịch triệt để khi mầm bệnh vẫn có cơ hội để phát tán và lây lan. Thiệt hại của ngành Chăn nuôi được tính lên đến con số tiền tỷ nhưng nguồn cơn có thể lại bắt nguồn từ hành động thực hiện chỉ trong tích tắc ấy.
Còn đối với dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều địa phương, việc phun thuốc diệt muỗi cũng là một biện pháp, nhưng sự đầu tư về nhân lực, chi phí không thể ngăn chặn từ gốc và cũng không duy trì được lâu dài. Trong khi đó, cách đơn giản, hiệu quả và ít tốn kém nhất là phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường, tiêu diệt các ổ chứa lăng quăng ngay tại cộng đồng, tại gia đình mình thì lại chưa được người dân coi trọng. “Quả bóng” phòng, chống dịch không thể chỉ do một mình ngành Y tế "đá" mà là "trận cầu "của cả cộng đồng, trong đó tinh thần, thái độ quyết tâm và ý thức phối hợp đóng vai trò cốt yếu làm nên thành công.
Ngoài chế tài pháp luật, quản lý xã hội còn có nhiều cách thức khác nhau, trong đó có đạo đức và ý thức. Với những hành vi vi phạm pháp luật hay thiếu văn minh, vô văn hóa... thì việc cải tạo, thay đổi có thể không chỉ bằng chế tài pháp luật mà bằng chính việc "đánh" vào ý thức! Liên quan đến biện pháp này, tại cuộc họp ở một tổ dân phố nọ, nhức nhối trước tình trạng xả rác bừa bãi; một số hộ dân thiếu hợp tác trong phòng chống dịch bệnh, có người đã đề nghị, lần thứ nhất thì nhắc nhở, qua theo dõi, kiểm tra thấy tái phạm thì nêu tên tuổi, địa chỉ cụ thể và đọc lên loa truyền thanh của tổ dân phố; chưa chuyển biến thì cứ phát đi phát lại. Theo đó, người từng vi phạm vì e ngại mà không tái phạm, người khác lấy đó làm bài học không dám vi phạm. Xem ra việc “đánh” vào ý thức cũng cần được nhìn nhận đa chiều hơn: đâu cứ phải lúc nào cũng theo hướng tích cực là tuyên truyền, vận động mà có những trường hợp hiệu quả đem lại bằng cách khiến người vi phạm phải xấu hổ khi bị công bố lên truyền thông đại chúng, phơi bày trước bàn dân thiên hạ.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc