Báo chí và nhật ký cuộc sống
Tôi đã từng tần ngần, bâng khuâng khi đến xem và tìm hiểu về những hiện vật ở một số bảo tàng. Những chứng tích, nói đúng hơn là những "mảnh ghép" của lịch sử, của năm tháng được thu nhận có khi chỉ qua một bình gốm không còn nguyên vẹn, một trang giấy ngả màu, một chiếc áo trấn thủ, một chiếc xe đạp đã cũ, rất cũ…
Trọng trách của những bảo tàng là thế - lưu giữ, tái hiện lịch sử, văn hóa bằng hiện vật. Dấu ấn thời gian, những thăng trầm của cuộc sống được gói gém trong các hiện vật. Còn với mỗi cá nhân, nhiều người vẫn có thói quen viết nhật ký để ghi lại những sự việc đáng nhớ trong cuộc đời, hoặc đơn giản chỉ là bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ, độc thoại, giãi bày qua những dòng ghi chép… Chỉ có ta với ta, nhật ký vốn được coi là góc riêng tư, bí mật của mỗi người.
Dòng chảy không ngừng của cuộc sống mỗi ngày cũng đã và đang được những người làm báo cần mẫn, nhạy bén phản ánh và ghi nhận lại chân thực và khách quan. Dưới nhiều góc độ khác nhau, có rất nhiều định nghĩa về nghề báo nói riêng và báo chí nói chung. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng từ trải nghiệm của bản thân và quan sát những gì đồng nghiệp đã và đang làm, tôi cứ đeo đẳng mãi ý nghĩ: Báo chí - cuốn nhật ký không giới hạn về cuộc sống này.
Qua góc nhìn nhà báo, cuốn nhật ký ấy được thể hiện đa dạng, dưới nhiều hình thức và thể tài khác nhau. Và điều đặc biệt, không hề riêng tư, mỗi tác phẩm, được xem như mỗi trang nhật ký về cuộc sống để phục vụ công chúng. Với các loại hình báo in, báo hình, báo phát thanh, báo điện tử, cuộc sống sôi động được nhà báo - những người viết nhật ký lựa chọn, thể hiện sinh động và nhanh nhất có thể. Và chắc chắn sẽ chẳng có một bảo tàng nào, một trang nhật ký nào có thể ghi nhận, lưu giữ một lượng thông tin đồ sộ, đa diện, đa lĩnh vực như báo chí. Quan trọng hơn, không dừng lại ở việc thu nhận, phản ánh đơn thuần về dòng chảy cuộc sống, báo chí đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần tích cực trong việc phát huy những giá trị của chân - thiện - mỹ; lên tiếng để đấu tranh với cái xấu; kiến nghị bổ sung, điều chỉnh, chấn chỉnh bất cập trong thực thi các chính sách…
Các phóng viên tác nghiệp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong khu cách ly tập trung của tỉnh. Ảnh: Kim Oanh |
Khi quyết định lựa chọn vấn đề để thực hiện tác phẩm, trang nhật ký ghi chép về thông tin cuộc sống thời điểm ấy của nhà báo sẽ không còn là riêng tư, mà nó đã trở thành chuyện được đưa ra công luận, có sự tác động và lan tỏa. Đồng nghĩa, ngoài đam mê, sự "máu lửa", trách nhiệm xã hội của người cầm bút lớn hơn rất nhiều. Những nhà báo bậc cha chú thường chia sẻ với thế hệ làm báo trẻ chúng tôi rằng: Viết báo thời nào cũng có cái khó và cái dễ.
Thời chiến tranh, bom rơi đạn nổ, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc nhưng tư tưởng đồng lòng, thống nhất, tất cả cùng chung một mục tiêu là giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Thời bình, cuộc sống đủ đầy, môi trường tác nghiệp an toàn hơn nhưng câu chuyện trách nhiệm xã hội của nhà báo tưởng dễ thực hiện hóa ra lại không đơn giản, thậm chí là phức tạp. Bởi thực tế nhà báo đứng trước nhiều cạm bẫy, không chỉ tác động tiêu cực của cơ chế thị trường mà còn là "ma trận" thông tin trên mạng xã hội.
Cố nhà báo Hữu Thọ đã chỉ rõ: "Thông tin mạng ra đời có hai hiện tượng mà người làm báo phải hết sức cảnh giác. Hiện tượng thứ nhất, làm báo sau laptop. Chỉ cần một chiếc máy điện thoại, máy tính có thể truy cập được tất cả thông tin, bài báo, chủ đề mình cần. Đó là mặt lợi, nhưng mặt hại là ít tiếp xúc cá nhân, mà không tiếp xúc cá nhân thì không có điều kiện để quan sát, tìm ra những chi tiết đáng quý để xây dựng các ý tưởng độc đáo. Người làm báo sau laptop thường hay ỷ lại những thông tin trên mạng, lười đi thực tế, mất khả năng quan sát, làm cho bài báo, tờ báo thiếu sinh động”.
Ngoài năng lực nghiệp vụ, bản lĩnh và lập trường sẽ là vũ khí giúp nhà báo tỉnh táo và làm chủ trước những cám dỗ của cạm bẫy để thực hiện được những trang nhật ký về cuộc sống bằng các tác phẩm báo chí của mình một cách trung thực, khách quan.
Đàm Thuần