Multimedia Đọc Báo in

Đất... không chỉ là đất

05:20, 10/12/2012

Báo  Dak Lak số ra ngày 5-12-2012 có bài viết của tác giả Việt Cường đề cập việc Công ty Cà phê Phước An tự ý bán hồ thủy lợi, trong đó có nội dung rất đáng quan tâm là ý kiến của ông Giám đốc Công ty. Theo bài báo này thì ông Giám đốc cho rằng việc Công ty bán các hồ nằm trong diện tích đất thu hồi (theo ông thì quyết định thu hồi không xác định rõ là thu hồi công trình thủy lợi mà chỉ nói chung chung là thu hồi đất) là hoàn toàn hợp pháp.

Rất lấy làm băn khoăn, chúng tôi liền tra cứu các văn bản pháp luật về đất đai hiện hành xem thực hư thế nào. Theo Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì ra đất không chỉ là đất mà đất còn là rừng, là ao hồ, sông ngòi, kênh rạch. Và như vậy, đất còn là... nước, là môi trường sống của chúng ta. Luật Đất đai có hẳn một điều (Điều 78) quy định đất có mặt nước nội địa theo đó là ao, hồ, đầm đều thuộc nhóm này và nằm trong mục đất nông nghiệp.  Như vậy là ao, hồ đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai, tức là phải đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, mọi hành vi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp... đều phải tuân theo quy định của pháp luật.

Luật  Đất đai và cả Hiến pháp 1992 - đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất của quốc gia với tính chất là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của Nhà nước - đều khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Là  tài sản quốc gia nhưng lâu nay đất đai vẫn đang được quản lý một cách lỏng lẻo. Lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý của các cấp chính quyền mà nhiều người đã thừa cơ trục lợi, biến đất công thành đất tư, làm giàu bất hợp pháp. Không phải ngẫu nhiên mà trong tổng số các vụ việc khiếu kiện được thống kê trong toàn quốc thì khiếu kiện về đất đai chiếm tỷ lệ lớn nhất (hơn 70%), có nhiều vụ việc dai dẳng, phức tạp kéo dài. Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, có cả sự yếu kém trong quản lý, non kém về nghiệp vụ của người thực thi công vụ và có cả sự cố tình hiểu sai quy định của luật pháp để mưu lợi cá nhân.

Trở  lại bài báo đã nêu, việc tự ý bán hồ thủy lợi trong diện tích đất thu hồi sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên có một điều khẳng định được rằng theo quy định của pháp luật thì đất không chỉ là đất thuần túy như đã viện dẫn ở trên.

Để  đất đai được sử dụng đúng mục đích, đúng nghĩa là tài sản quý giá của quốc gia, là môi trường sống của con người, Nhà nước quy định nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn để làm trái các quy định về quản lý đất đai. Hy vọng rằng, đừng vì lợi ích quá lớn mà đất đai mang lại khiến cho ai đó cố tình hiểu sai, làm trái các quy định của Nhà nước, làm cho khiếu kiện về đất đai vốn dĩ đã phức tạp, đã nóng lại càng nóng thêm.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.