Multimedia Đọc Báo in

Vụ Công ty Cà phê Phước An tự ý bán hồ thủy lợi: Chờ kết luận của Thanh tra tỉnh

07:47, 05/12/2012

Liên quan tới vụ Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Phước An (gọi tắt là Công ty Cà phê Phước An) tự ý bán hồ, đập cho cá nhân, tại buổi họp báo chiều 3-12 do UBND tỉnh tổ chức, đồng chí Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã giao Thanh tra tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra xác minh lại toàn bộ vụ việc, báo cáo với UBND tỉnh để có kết luận cuối cùng.

Giải trình tại buổi họp báo, ông Trần Minh Thụy, Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Phước An cho rằng: Việc Công ty bán hồ là để thu hồi lại vốn đầu tư đã bỏ ra, hơn nữa đây chỉ là những hồ nhỏ, được làm tự phát nên cũng không thể gọi là những công trình thủy lợi.

Hồ Phước Hòa, một trong số 10 hồ, đập thủy lợi đã bị Công ty Cà phê Phước An bán cho cá nhân. Hiện các hồ này đã bị người mua cho hạ mực nước tự nhiên để nuôi cá!
Hồ Phước Hòa, một trong số 10 hồ, đập thủy lợi đã bị Công ty Cà phê Phước An bán cho cá nhân. Hiện các hồ này đã bị người mua cho hạ mực nước tự nhiên để nuôi cá!

Theo ông Thụy, các hồ mà công ty đã sang nhượng đều được hình thành từ những ao sình lầy, hoặc đào tự phát để lấy nước chứ không phải ngăn suối, chặn dòng chảy… Hầu hết các hồ này đều có diện tích rất nhỏ (bình quân hơn 4ha/ hồ), nên không thể gọi là công trình thủy lợi. Hơn nữa, đây là những công trình do công ty vay vốn ngân hàng để xây dựng chứ không phải là công trình thủy lợi trọng điểm do Nhà nước bỏ vốn. Do đó, khi công ty không còn nhu cầu sử dụng nữa thì phải bán thu hồi lại vốn.

Mặt khác, theo ông Thụy, trong Quyết định số 2110/QĐ-UB, ngày 23-10-2010 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất do Công ty quản lý cũng không xác định rõ là thu hồi công trình thủy lợi mà chỉ nói chung chung là thu hồi đất. Trong khi đó, hiện cũng chưa có văn bản nào của các cấp có thẩm quyền hoặc cơ quan quản lý Nhà nước ban hành về quy định Công ty không được bán hồ cho cá nhân quản lý. Do đó, việc công ty bán các hồ nằm trong diện tích đất thu hồi này là hoàn toàn hợp pháp(!) 

Ngược lại với quan điểm của lãnh đạo Công ty Cà phê Phước An, ông Phạm Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh cho rằng: Bất cứ hồ, đập, ao, hay chỉ là một vũng sình lầy… đều nằm trong lưu vực của một dòng suối, con sông trong khu vực. Việc Công ty lý giải các hồ được làm tự phát, không ngăn dòng chặn suối nên nếu bán đi cũng không ảnh hưởng gì là không đúng. Ông San dẫn Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi (số 32/2001/PL-UBTVQH10, ngày 4-4-2001), trong đó nêu rõ: công trình thủy lợi bao gồm những công trình: hồ, đập chứa nước, cống, trạm bơm, kênh… (tức bao gồm các hồ đập của Công ty Phước An – theo lời ông San). Ông San cũng khẳng định: Theo pháp lệnh này thì không có bất kỳ ai có quyền bán các hồ, đập, các công trình thủy lợi! Kể cả UBND tỉnh cũng không có quyền bán công trình thủy lợi mà chỉ được giao quyền sử dụng…

Theo ông San việc Công ty Phước An bán các hồ thủy lợi sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bởi trên thực tế, sau khi đã mua được các hồ của Công ty Phước An, người dân đã tự ý chắn tràn, đắp bờ… khiến dòng chảy của hồ bị chuyển hướng. “Nếu vào mùa mưa lũ, nước tràn qua đập đất sẽ rất dễ gây hậu quả vỡ đập. Trong khi đó, sự cố vỡ đập thường xảy ra phản ứng dây chuyền (công trình bên trên bị vỡ sẽ kéo theo các công trình bên dưới bị vỡ), lúc này thì hậu quả là không thể lường hết được.” – ông San nói.

Cùng quan điểm với ông San, trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak, Luật sư Tạ Quang Tòng (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Dak Lak) cho rằng: Việc xây dựng các công trình thủy lợi nhằm mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phục vụ cho dân sinh. Với các mục tiêu quan trọng như vậy nên việc xây dựng các công trình thủy lợi được tiến hành bởi các quy trình vô cùng chặt chẽ nhằm đảm bảo tính pháp lý của nó kể từ khi xây dựng cho đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng, và nhất thiết phải được thông qua các cơ quan chức năng như UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc UBND các huyện nếu công trình thuộc huyện quản lý. Và vì thế việc quản lý công trình phải làm theo đúng quy trình như quá trình xây dựng.

Theo Luật sư Tạ Quang Tòng, hồ, đập thủy lợi cũng là đất, mà đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Hồ, đập thủy lợi là để chứa nước, mà nước là tài nguyên quốc gia do Nhà nước thống nhất quản lý. Đất không bán được, nước không bán được. Do đó, hợp đồng bán các hồ đập thủy lợi của Công ty Cà phê Phước An với người mua là hợp đồng không có giá trị về mặt nội dung và hình thức. 

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc