Multimedia Đọc Báo in

Cơ quan tố tụng huyện Ea Kar có bỏ lọt tội phạm?

08:42, 17/11/2013

Báo Dak Lak vừa nhận được đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Hẹn (SN 1975) trú thôn Tứ Xuân, xã Cư Huê (huyện Ea Kar) khiếu nại về việc các cơ quan chức năng huyện Ea Kar có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ án hình sự mà bà là bị hại. Trong đơn bà Hẹn trình bày: “Tôi là bị hại trong vụ án hình sự về 2 tội “Cố ý gây thương tích” và “Làm nhục người khác” do bị can Nguyễn Thị Lan (hộ khẩu thường trú tại xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) gây ra. Tuy nhiên, trong vụ án này còn có nhiều tình tiết, nội dung tôi chưa thỏa mãn”…


Theo đơn của bà Hẹn thì trong vụ án này có nhiều người cùng phạm tội với Nguyễn Thị Lan nhưng cơ quan pháp luật đã bỏ lọt tội phạm. Nguyễn Thị Lan là người phạm tội, trốn tránh pháp luật bị truy nã, không có nơi cư trú tại huyện Ea Kar nhưng lại được cho tại ngoại là điều không bình thường, không thể chấp nhận được... Trong đơn bà Hẹn viết: “Hiện nay, do Nguyễn Thị Lan được tại ngoại nên thường xuyên điện thoại đe dọa sẽ hãm hại gia đình tôi. Các đối tượng cùng gây án với Lan vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật không bị xử lý gì. Nguyễn Thị Lan vẫn tỏ ra coi thường pháp luật, thách thức gia đình tôi. Tính mạng và tinh thần của gia đình tôi đang bị Lan đe dọa hằng ngày…”.

Về nội dung liên quan đến vụ án này, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an huyện Ea Kar cho biết: Vào khoảng 20 giờ 20 phút ngày 25-7-2010, Nguyễn Thị Lan (SN 1967) đến nhà ông Vũ Đình Thái ở thôn Trung An, xã Ea Tyh, huyện Ea Kar. (Thời điểm này, ông Thái và bà Lan đang trong giai đoạn ly hôn). Khi đến nhà thì Lan phát hiện ông Thái và bà Hẹn đang ở trên giường. Lúc này, do ghen tuông nên Lan xông vào cầm tay, túm tóc lôi kéo bà Hẹn ra khỏi nhà trong tình trạng bà Hẹn không mặc áo (cởi trần). Khi bị kéo ra ngoài, bà Hẹn đã kháng cự nên bị ngã và bị thương tích. Mặc dù vậy, bà Lan vẫn tiếp tục kéo bà Hẹn đến trụ sở Công an xã Ea Tyh… Theo kết quả giám định pháp y, bà Hẹn bị suy nhược sau chấn thương, tỷ lệ thương tích 12%.

Ngày 10-3-2011, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Kar đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích để tiến hành điều tra. Đến ngày 4-5-2011, xác định bà Lan còn có hành vi phạm tội Làm nhục người khác nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án và ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Lan. Do Nguyễn Thị Lan đã bỏ trốn khỏi địa phương nên khi hết hạn điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Thị Lan và ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định của pháp luật. Đến ngày 24-6-2013, Nguyễn Thị Lan ra đầu thú tại Công an huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar đã phục hồi điều tra vụ án hình sự và phục hồi điều tra bị can đối với Nguyễn Thị Lan, đồng thời khởi tố bổ sung Lan về tội Cố ý gây thương tích.

Trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak về nội dung liên quan đến khiếu nại của bà Phạm Thị Hẹn, ông Hà Văn Hưng, Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ea Kar cho biết: Bà Hẹn cho rằng trong vụ án này có nhiều người cùng phạm tội nhưng cơ quan điều tra đã bỏ lọt tội phạm. Đồng thời bà Hẹn cũng cung cấp cho cơ quan điều tra tường trình của một số nhân chứng. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra đã xác định được những người được cho là nhân chứng này đều là người nhà của bà Hẹn. Lời khai của những nhân chứng này có nhiều mâu thuẫn, thiếu khách quan, thậm chí có người không hợp tác với cơ quan điều tra… Chính vì vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ xác định có nhiều người tham gia phạm tội cùng với Nguyễn Thị Lan. Đối với nội dung khiếu nại cơ quan điều tra cho bà Lan được tại ngoại, ông Hà Văn Hưng cho rằng: Trong vụ án này, bị can Nguyễn Thị Lan phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và đã được gia đình nhận bảo lãnh. Mặc dù trước đó bị can đã bỏ trốn và bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar truy nã, tuy nhiên sau đó đối tượng đã tự nguyện đầu thú. Chính vì vậy, các cơ quan tố tụng đã áp dụng Điều 94 Bộ Luật Tố tụng Hình sự cho bị can tại ngoại là hoàn toàn có căn cứ. Riêng về nội dung bà Hẹn cho rằng bị can Nguyễn Thị Lan thách thức, đe dọa tính mạng và tinh thần của gia đình bà nhưng không cung cấp được chứng cứ cụ thể nên không có cơ sở để giải quyết. “Vụ án hiện đã được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ea Kar hoàn tất hồ sơ chuyển sang TAND huyện để chuẩn bị xét xử” – ông Hưng cho biết. 

Tổ Bạn đọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.