Multimedia Đọc Báo in

Phản hồi bài báo: "Cơ sở sản xuất than củi gây ô nhiễm môi trường khu dân cư"

09:16, 24/05/2017

LTS: Báo Đắk Lắk Cuối tuần phát hành ngày 16-4-2017 và Báo Đắk Lắk Điện tử ngày 16-4-2017 có đăng bài viết “Cơ sở sản xuất than củi gây ô nhiễm môi trường khu dân cư” của tác giả Hồng Nguyên, phản ánh hoạt động sản xuất than củi của Công ty TNHH MTV Phúc Minh (xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến người dân địa phương bức xúc.

Sau khi báo phát hành, Tòa soạn đã nhận được Công văn số 09/CV-CT, ngày 25-4-2017 của Công ty TNHH MTV Phúc Minh do Giám đốc Đoàn Bằng Giang ký; 02 văn bản của UBND huyện Cư M’gar (gồm Báo cáo số 128/BC-UBND, ngày 4-5-2017 và Công văn số 1264/UBND-TNMT ngày 05-5-2017). Để rộng đường dư luận, Báo Đắk Lắk đăng nội dung công văn của Công ty TNHH MTV Phúc Minh, đồng thời có ý kiến phản hồi chung quanh những nội dung bài báo. Riêng ý kiến của UBND huyện Cư M’gar tại 02 văn bản nói trên đều không nói rõ Báo Đắk Lắk phản ánh không đúng điểm nào, nội dung gì; về những câu, từ trong 02 báo cáo thì trong bài “Cơ sở sản xuất than củi gây ô nhiễm môi trường khu dân cư” không viết như vậy, nên chúng tôi không trao đổi ở đây

Công văn phản hồi của Công ty TNHH MTV Phúc Minh

1. Trước hết, Công ty xin cảm ơn Ban Biên tập và tác giả đã quan tâm đến hoạt động của Công ty và các vấn đề có liên quan tại địa phương. Nhưng nội dung bài viết còn thông tin một chiều, chưa đầy đủ, không chính xác nên gây ra sự hiểu nhầm trong dư luận. Cụ thể như sau:

- “Cơ sở sản xuất than củi gây ô nhiễm môi trường khu dân cư” là chưa chính xác. Vì cơ sở sản xuất than của Công ty Phúc Minh được các cấp thẩm quyền của tỉnh Đắk Lắk và huyện Cư M’gar cấp phép hoạt động từ năm 2009, lúc đó khu vực này không có người dân nào ở cả. Về sau này mới có 4 hộ dân đến ở. Như vậy cơ sở sản xuất được cấp phép trước, người dân đến ở sau, chứ không phải “cơ sở sản xuất than củi gây ô nhiễm môi trường khu dân cư” như tác giả viết.

- Việc ô nhiễm môi trường như phản ánh của tác giả và một số hộ dân được trích dẫn trong bài viết là chưa chính xác. Kết quả giám sát môi trường định kỳ các tháng đầu năm 2017 của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường thuộc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu về môi trường tại cơ sở đều nằm dưới mức cho phép so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh (QCVN 05: 2013/BTNMT của Bộ TN&MT). Cụ thể, nồng độ bụi lơ lửng là 0,19/0,3, SO2 là 0,153/0,35, NO2 là 0,117/0,2, CO là 4,34/30. Còn đối chiếu với Quyết định 3733/QĐ-BYT ngày 10-10-2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động thì nồng độ bụi lơ lửng, SO2, NO2, CO cũng thấp hơn nhiều (lần lượt là 2,13/4, 0,618/5, 0,811/5, 16,1/20). Từ đó Trung tâm kết luận: “Các thông số giám môi trường không khí ở thời điểm đo đạc đều có nồng độ thấp hơn giới hạn cho phép, hoạt động của dự án ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và sức khỏe của công nhân”.

- Sau khi bị đình chỉ, Công ty chỉ dừng hoạt động một thời gian ngắn, sau đó lại tiếp tục hoạt động là thiếu thông tin, gây hiểu nhầm. Thực tế UBND huyện Cư M’gar có ra Quyết định số 656/QĐ-UBND ngày 1-10-2014 về việc tạm đình chỉ và Quyết định 779/QĐ-UBND ngày 13-11-2014 về việc đình chỉ cơ sở sản xuất than của công ty. Nhưng đến ngày 7-11-2016, UBND huyện Cư M’gar đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-UBND về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định 656/QĐ-UBND và Quyết định 779/QĐ-UBND. Khi các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ đã bị thu hồi và hủy bỏ thì không còn hiệu lực, chứ không phải Công ty không chấp hành mà vẫn hoạt động như tác giả viết.

- Theo yêu cầu của UBND huyện Cư M’gar, mỗi lần đốt Công ty chỉ cho hoạt động 3-4 lò, chứ không phải mỗi lần đốt 7-8 lò.

2. Về bản chất sự việc, Công ty xin cung cấp thông tin như sau: Cơ sở sản xuất than của Công ty TNHH MTV Phúc Minh được các cấp thẩm quyền của tỉnh Đắk Lắk và huyện Cư M’gar cấp giấy phép hoạt động vào năm 2009. Lúc đó khu vực này không có người dân nào ở cả, gần đây UBND xã Cư Dliê Mnông mới xây dựng đề án quy hoạch khu dân cư trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Còn trên thực tế, đến thời điểm này chỉ mới có 4 hộ làm nhà ở. Như vậy cơ sở sản xuất của Công ty được cấp phép trước, người dân đến ở sau, quy hoạch dân cư sau, chứ không phải Công ty vào giữa khu dân cư xây lò than trái phép.

Nhưng để phù hợp với quy hoạch mới, được UBND huyện vận động, Công ty đã chủ động tìm phương án di dời đi nơi khác, dự kiến vào tháng 10-2018. Việc di dời liên quan đến địa điểm phù hợp, hạ tầng sản xuất, vốn đầu tư, nguyên liệu… nên cần có lộ trình cụ thể, không thể giải quyết ngay lập tức được. Trong thời gian chờ các điều kiện để di dời, Công ty đã hạn chế số lò hoạt động/lần đốt, thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường. Do vậy, sự việc này cần được nhìn nhận một cách khách quan, có tính lịch sử và cần được giải quyết một cách hợp lý, hợp tình, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và môi trường.

3.Về vấn đề môi trường tại cơ sở sản xuất của Công ty, như trên đã nói, kết quả giám sát môi trường định kỳ mới đây của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường thuộc Sở TN & MT tỉnh Đắk Lắk cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu về môi trường tại cơ sở đều nằm dưới mức cho phép so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh (QCVN 05: 2013/BTNMT của Bộ TN & MT. Cũng như đối chiếu quyết định 3733/QĐ-BYT ngày 10-10-2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động thì các chỉ tiêu tại cơ sở còn thấp hơn.

                              Giám đốc

Đoàn Bằng Giang

Nội dung Báo Đắk Lắk phản ánh hoàn toàn chính xác, khách quan!

Thứ nhất, Công ty TNHH MTV Phúc Minh cho rằng:“Cơ sở sản xuất than củi gây ô nhiễm khu dân cư là chưa chính xác”. Vì cơ sở sản xuất than củi của Công ty được các cấp thẩm quyền tỉnh Đắk Lắk và huyện Cư M’gar cấp phép hoạt động từ 2009, lúc đó khu vực này không có khu dân cư nào ở. Về sau này, có 4 hộ đến ở. Như vậy, cơ sở sản xuất được cấp phép trước, người dân đến ở sau”.

Về nội dung này, theo như lý giải của Công ty thì cơ sở sản xuất than củi không nằm trong khu dân cư nên không ảnh hưởng đến môi trường đời sống người dân? Ở đây chúng tôi nói rõ là nội dung bài báo không đề cập đến việc cơ sở đốt than ở trong khu dân cư hay ngoài khu dân cư, mà chỉ phản ánh hoạt động lò than gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Bài báo viết: “… lượng khói bụi, mùi hôi từ cơ sở sản xuất than củi phát tán, làm ảnh hưởng đến sự phát triển, năng suất cây trồng và sức khoẻ của người dân xung quanh”. Thực tế hoàn toàn đúng như vậy! Mặc dù cơ sở sản xuất than củi không nằm trong khu dân cư, nhưng xung quanh cơ sở này (chỉ cách 300 m) là khu dân cư 2 thôn Tân Thành và Tân Lập có hàng trăm hộ dân sinh sống bị ảnh hưởng rất lớn. Và hiện tại đã có một số hộ dân xây nhà ở kiên cố cách khu vực lò than khoảng 50 m, do khu đất này đã được quy hoạch khu dân cư.

Thực tế cho thấy, ngay khi cơ sở sản xuất than củi này đi vào hoạt động năm 2011 đến nay, người dân nơi đây liên tục viết đơn kiến nghị, kêu cứu đến các cơ quan chức năng cũng như có ý kiến trực tiếp tại các hội nghị tiếp xúc cử tri. Cụ thể: Ngày 27-2-2013, theo phản ánh của người dân, Phòng Tài nguyên – Môi trường (TN&MT) huyện Cư M’gar kiểm tra và phát hiện vi phạm về bảo vệ môi trường của cơ sở này nên đã phạt tiền 4.750.000 đồng (theo Quyết định số 71/QĐ-UBND, ngày 5-3-2013 của UBND huyện Cư M’gar). Năm 2014, cũng với những vi phạm gây ô nhiễm môi trường do lò đốt than nên UBND huyện Cư M’gar ra quyết định đình chỉ cơ sở lò đốt than của Công ty TNHH MTV Phúc Minh (Quyết định số 779/QĐ-UBND, ngày 13-11-2014). Sau đó, dù đã cam kết khắc phục không để xảy ra ô nhiễm môi trường và tiếp tục hoạt động đến nay nhưng qua các đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng đều đánh giá kết luận là không bảo đảm về môi trường khu dân cư. Ví dụ như tại Biên bản kiểm tra về môi trường số 41/BB-BVMT, ngày 02-6-2016 của Đoàn kiểm tra do UBND huyện Cư M’gar thành lập có ghi rõ: “… do vị trí xây dựng lò đốt than nằm trong khu vực dân cư nên không đảm bảo đến môi trường sống của người dân xung quanh khu vực cơ sở”, “Qua kiểm tra hiện trạng tại cơ sở, Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ cơ sở trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kiểm tra, sau khi đốt xong các lò than đang đốt chủ cơ sở phải chấm dứt ngay quá trình hoạt động của lò than”…. Mới đây nhất là Báo cáo số 21/BC-UBND, ngày 04-4-2017 của Chủ tịch UBND xã Cư Dliê Mnông về việc kiểm tra hiện trạng cơ sở đốt than của ông Đoàn Bằng Giang, nêu rõ: “Vì đây là cơ sở đốt than có nhiều lò đốt, bị nhiều ý kiến phản ánh của cử tri, đồng thời đã có chỉ đạo của Phòng TN - MT chỉ cho cơ sở đốt từ 3 đến 5 lò. Nhưng tại thời điểm kiểm tra cơ sở của ông Giang đốt tới 6 lò vượt quá so với quy định nên UBND xã đề nghị UBND huyện, phòng TN - MT nhanh chóng kiểm tra và có biện pháp xử lý phù hợp”…

Qua một số dẫn chứng trên có thể khẳng định nội dung bài báo viết cơ sở sản xuất than củi gây ô nhiễm môi trường khu dân cư là hoàn toàn có cơ sở, đúng với thực tế cũng như phản ánh của người dân.

Thứ hai, Công ty cho rằng: “Việc ô nhiễm môi trường như phản ánh của tác giả và một số hộ dân được trích dẫn trong bài viết là chưa chính xác. Kết quả giám sát môi trường định kỳ các tháng đầu năm 2017 của Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường thuộc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho thấy hầu hết các chỉ tiêu về môi trường tại cơ sở đều nằm dưới mức cho phép so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh…”

Liên quan đến nội dung này, sáng ngày 4-5-2017, phóng viên Báo Đắk Lắk đã trực tiếp gặp ông Hoàng Văn San, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (người ký Báo cáo giám sát môi trường định kỳ của “xưởng sản xuất than đốt”). Giải thích về kết quả đo đạc, thử nghiệm ngày 17-1-2017 của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường mà Công ty TNHH MTV Phúc Minh gửi cơ quan báo chí để khẳng định cơ sở sản xuất than đốt không gây ô nhiễm, ông San cho biết: “Vì Công ty không có phương tiện, kỹ thuật, chuyên môn nên đã thuê Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên Môi trường. Việc đóng dấu trong trang phụ bìa của báo cáo này là theo quy định của pháp luật. Trong báo cáo này, chúng tôi chỉ tư vấn về mặt chuyên môn, và cùng với doanh nghiệp thực hiện báo cáo, đánh giá tác động môi trường của cơ sở đang hoạt động, chứ không cho phép cơ sở sản xuất than củi của ông Giang hoạt động. Những nhận xét, kiến nghị trong báo cáo không phải là của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường mà là của doanh nghiệp tự đề xuất. Việc ông Giang hoặc UBND huyện Cư M’gar sử dụng nhận xét, kiến nghị trong báo cáo giám sát môi trường và nói rằng Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường kết luận như thế thì cứ thế không ảnh hưởng tới môi trường là không đúng. Bởi phiếu kết quả thử nghiệm và báo cáo giám sát môi trường chỉ có giá trị tại thời điểm đánh giá, đo đạc, không có giá trị cho cho cả một quá trình”. Ông San khẳng định: “Việc doanh nghiệp căn cứ vào kết quả quan trắc cho rằng việc đốt than không gây ô nhiễm là không đúng. Vì khi đốt than, không có biện pháp khống chế, khí thoát ra tự nhiên là chuyện không tránh khỏi. Do đó khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, họ đối phó bằng cách đốt ít đi để giảm lượng thải ô nhiễm”.

Trong công văn của Công ty TNHH MTV Phúc Minh viết: “đối chiếu với Quyết định số 3733/QĐ-BYT ngày 10-10-2002 của Bộ Y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động thì nồng độ bụi lơ lửng thấp hơn quy định”. Về nội dung này, chúng tôi cho rằng việc đưa ra vài thông số bụi lơ lửng thấp hơn quy định để nói rằng Công ty đã thực hiện các tiêu chí về môi trường như Quyết định 3733 của Bộ Y tế là chưa chuẩn xác. Bởi tại mục II của Quyết định 3733 về Tiêu chuẩn khoảng cách bảo vệ vệ sinh thì ở Khoản 4.6.1 quy định khoảng cách tối thiểu đối với các cơ sở sản xuất than gỗ (trừ phương pháp lò chưng) đối với khu dân cư là 1.000 mét, trong khi thực tế cơ sở sản xuất than của Công ty TNHH MTV Phúc Minh chỉ cách khu dân cư 300 mét, vậy có bảo đảm về môi trường, sức khỏe người dân như ý kiến của Công ty?

Thứ 3, theo Công ty TNHH MTV Phúc Minh, chi tiết bài báo cho rằng “Sau khi bị đình chỉ, Công ty chỉ dừng hoạt động một thời gian ngắn, sau đó lại tiếp tục hoạt động là thiếu thông tin, gây hiểu nhầm…”.

Như đã nói ở trên, trong suốt thời gian lò đốt than hoạt động, do ảnh hưởng đến sản xuất, sức khỏe của người dân nên liên tục bị người dân khiếu nại. Trước thực tế đó, UBND huyện Cư M’gar đã ra Quyết định số 656/QĐ-UBND ngày 1-10-2014 về việc tạm đình chỉ và Quyết định 779/QĐ-UBND ngày 13-11-2014 về việc đình chỉ cơ sở sản xuất than của Công ty. Đến ngày 7-11-2016, UBND huyện mới ban hành Quyết định 929/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy bỏ quyết định 656/QĐ-UBND và 779/QĐ-UBND. Như vậy, theo đúng nguyên tắc thì trong thời gian 2 năm từ khi có quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ đến khi thu hồi quyết định, Công ty phải chấp hành nghiêm túc quyết định của UBND huyện. Tuy nhiên, trên thực tế cơ sở sản xuất than củi này vẫn hoạt động. Bằng chứng là thời điểm bị tạm đình chỉ nhưng cơ sở vẫn hoạt động và bị người dân tố cáo. Tại văn bản trả lời tố cáo của bà Nguyễn Thị Lan, thôn Tân Thành, xã Cư Dliê Mnông ngày 28-11-2014, UBND xã Cư Dliê Mnông ghi rõ: “Lò than của ông Đoàn Bằng Giang đã được UBND huyện Cư M’gar ra quyết định đình chỉ ngừng hoạt động 3 tháng kể từ ngày 1/10/2014… Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra cho đến nay thì lò than của ông Giang vẫn tiếp tục hoạt động. Ngày 3-11-2014, UBND xã tiếp tục có báo cáo gửi UBND huyện, Phòng TN&MT huyện Cư M’gar. Sau đó, ngày 13-11-2014, UBND huyện Cư M’gar đã ra quyết định đình chỉ hoạt động lò than của ông Giang”. Hay như tại Biên bản kiểm tra về môi trường số 41 ngày 2-6-2016 của Đoàn kiểm tra do UBND huyện Cư M’gar thành lập cũng đã thể hiện: “Vào thời điểm kiểm tra tại cơ sở có 13 lò than. Trong đó 3 lò đang đốt, 1 lò đã ngừng đốt đang đợi ra than, 9 lò trống đang đợi vào củi…”; Báo cáo số 70/BC-TNMT ngày 1-9-2016 của Phòng TN&MT huyện Cư M’gar về việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của lò sản xuất than củi của ông Đoàn Bằng Giang cũng nêu rõ: “Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 2 lò đốt, 2 lò đang ủ chờ ra than và 1 lò đang vào củi”… Như vậy, nội dung Báo Đắk Lắk phản ánh việc sau khi đã có các quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động của UBND huyện Cư M’gar nhưng “cơ sở chỉ dừng hoạt động một thời gian ngắn, sau đó lại tiếp tục hoạt động” là có cơ sở!

Chúng tôi một lần nữa khẳng định, nội dung phản ánh của bài báo “Cơ sở sản xuất than củi gây ô nhiễm môi trường khu dân cư” là hoàn toàn chính xác, khách quan, trên tinh thần xây dựng. Chúng tôi cũng xin được nêu lại ý kiến của đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi họp báo chiều ngày 4-5-2017 liên quan đến vụ việc này: “Việc đốt than chắc chắn sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Chính vì thế, yêu cầu chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần xử lý kịp thời, không để người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài…”.

Tòa soạn


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.