Multimedia Đọc Báo in

Quá tải bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Buôn Hồ: Cần có giải pháp mạnh

09:20, 28/07/2010

Nhiều năm nay, tình trạng quá tải bệnh nhân đã và đang diễn ra thường xuyên tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Buôn Hồ. Lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây mỗi ngày đều tăng, thậm chí, có năm tăng gần gấp đôi so với chỉ tiêu của bệnh viện. Hiện tại, việc giảm tải đã được BV thực hiện theo kiểu “giật gấu vá vai” một cách bất đắc dĩ, song, về lâu dài vẫn cần những kế sách hiệu quả hơn… 

 

“Khéo co”... mà vẫn không “ấm”
Trung bình mỗi ngày, khoa Khám, BVĐK Buôn Hồ tiếp đón khoảng 500 lượt bệnh nhân tới khám bệnh. Với số lượng bệnh nhân này, hàng ngày, các bác sĩ khoa Khám luôn phải làm việc trong tình trạng “quá tải”, vượt gấp đôi, gấp 3 so với quy định chuyên môn. Tuy vậy, cảnh bệnh nhân phải chờ đợi đến lượt khám bệnh vẫn diễn ra hết sức phổ biến ở đây. Khám bệnh ngoại trú đã vậy, điều trị nội trú cũng lắm nỗi gian truân khi chỉ tiêu giường bệnh không theo kịp nhu cầu thực tế. Tại BV, chuyện 2 bệnh nhân chung 1 giường bệnh luôn diễn ra thường xuyên, nhất là vào mùa mưa (mùa dịch bệnh bùng phát). Theo số liệu thống kê của BV, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị mỗi năm đều tăng và đặc biệt tăng cao trong 2 năm gần đây. Cụ thể, năm 2008, BV đã tiếp nhận 118.000 lượt người khám, 10.499 lượt điều trị nội trú (đạt tỷ lệ tương ứng 185,62% và 174% so với kế hoạch) và năm 2009, là 116.717 lượt khám,  11.642 lượt điều trị nội trú (đạt tỷ lệ tương ứng là 176,84% và 166,3%). Bệnh nhân tăng nhiều trong khi đội ngũ cán bộ y bác sĩ của BV tất thảy chỉ có 121 người (trong đó có 30 bác sĩ, 64 điều dưỡng) nên tình trạng quá tải xảy ra ở hầu hết các khoa, phòng. 

Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng “quá tải” nói trên, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc BVĐK Buôn Hồ cho biết: Nếu nói một cách lạc quan thì tình trạng quá tải thể hiện nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe được nâng lên, có thêm nhiều người được tiếp cận với y tế. Ngoài ra, một phần cũng do BV bảo đảm được một số kỹ thuật nên người bệnh tìm đến đông và lượng bệnh chuyển viện ít. Tuy nhiên, đi sâu vào vấn đề, thì nguyên nhân chủ yếu của tình trạng quá tải là do BV không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn mà còn đảm nhận một phần nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân một số xã của các huyện lân cận như Ea Nam (huyện Ea H’leo), Ea Hồ, Ea Toh (huyện Krông Năng) và Nông trường cà phê 15 (huyện Cư M’gar). Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng đó là tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến xã nên y tế cơ sở không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu và xảy ra tình trạng bệnh nhân khám chữa bệnh vượt tuyến… Để giảm tải, BVĐK Buôn Hồ cũng đã “tự thân vận động” bằng nhiều hình thức như: đưa tin học vào quản lý hành chính để tăng thời gian khám bệnh; tiết kiệm diện tích hành chính để tăng thêm diện tích kê giường bệnh; tăng giường bệnh từ 120 giường (chỉ tiêu năm 2009) lên 150 giường (năm 2010); tăng cường đưa cán bộ, bác sĩ xuống cầm tay chỉ việc cho cán bộ y tế xã; thực hiện khám chữa bệnh lưu động vào thứ bảy và Chủ nhật… Mặc dù vậy, tình trạng “quá tải” vẫn không giảm được là bao, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị trong những tháng đầu năm 2010 vẫn tăng so với dự kiến.

Người dân mệt mỏi chờ đến lượt khám bệnh tại BVĐK Buôn Hồ.
Người dân mệt mỏi chờ đến lượt khám bệnh tại BVĐK Buôn Hồ.
Và những hệ lụy
Hệ lụy đầu tiên và dễ thấy nhất đó là quá tải luôn song hành với chất lượng khám chữa bệnh thấp, không đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân. Thực tế cho thấy, quá tải khiến các y bác sĩ của BV phải làm việc với cường độ cao, dễ dẫn đến căng thẳng trong công việc nên chất lượng làm việc giảm là khó tránh khỏi. Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó Trưởng khoa Y học cổ truyền chia sẻ: làm việc trong tình trạng quá tải, khiến đội ngũ y bác sĩ chúng tôi luôn thấy áp lực. Mặc dù đã rất cố gắng, song nhiều lúc, mỗi chúng tôi đều luôn có cảm giác mình chưa làm tròn nhiệm vụ, bởi bình thường với một khoảng thời gian nhất định, một bác sĩ chỉ có thể khám, điều trị và tư vấn cho một trường hợp, nhưng khi quá tải bệnh nhân thì cũng với bấy nhiêu thời gian lại phải thăm khám, điều trị cho nhiều người… Bên cạnh đó, tình trạng quá tải còn khiến nguy cơ xảy ra sai sót trong chuyên môn dễ xảy ra hơn. Rồi chất lượng của các dịch vụ khác trong bệnh viện, hay điều kiện vệ sinh, an ninh - trật tự cũng không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi tình trạng quá tải. Còn về phía bệnh nhân, tình trạng quá tải kéo dài khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, bất tiện. Bệnh nhân Vũ Đức Ân (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ) bộc bạch: Mỗi lần đi khám bệnh, tôi luôn thấy mệt mỏi vì phải chờ đợi. Cảnh người bệnh thì đông, nhân viên y tế thì ít làm cho chúng tôi đi đến khoa nào, phòng nào cũng phải chờ đợi rất lâu. Thậm chí, nhiều lần đi khám bệnh, tôi đến bệnh viện từ đầu giờ buổi sáng nhưng phải đợi đến gần trưa mới tới lượt…

Có thể thấy, tuy chưa phải là đơn vị khám chữa bệnh cao nhất trong tỉnh, song BVĐK Buôn Hồ đã và đang phải đối mặt với tình trạng quá tải cao độ. Quá tải kéo dài khiến các bác sĩ nơi đây ngày càng vất vả, căng thẳng, quản lý BV thì khó tìm được hướng giải quyết, còn người bệnh thì thấy phiền phức và thiệt thòi. Hiện tại, những biện pháp giảm tải BVĐK Buôn Hồ đang triển khai mới chỉ giải quyết một phần của bài toán quá tải bệnh nhân. Rõ ràng, về lâu dài, để việc giảm tải đạt được hiệu quả, bền vững hơn cần có những biện pháp khả thi và năng động hơn nữa. Tuy nhiên, để làm được điều này, chỉ một mình BVĐK Buôn Hồ khó có thể thực hiện mà cần có sự cộng đồng trách nhiệm từ phía đơn vị chủ quản và các cơ quan, đơn vị hữu quan. 
Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc