Dịch heo tai xanh vẫn “nóng”
Kể từ ngày công bố dịch (5-8) ở huyện Krông Pak, Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột đến nay mới 10 ngày, thế nhưng dịch heo tai xanh đã nhanh chóng lan ra 10 huyện, thành phố với gần 56.000 con heo bị mắc bệnh. Trận đại dịch này như một cơn bão càn quét qua các vùng chăn nuôi lớn khiến nhiều hộ rơi vào cảnh “trắng” chuồng.
Dịch lan nhanh
Huyện Ea Kar là nơi bị dịch nặng nhất, khi công bố dịch (ngày 5-8) đã có 112 thôn, buôn thuộc 14/16 xã, thị trấn với gần 12.500 con bị bệnh và các ổ dịch mới liên tục xuất hiện. Đến ngày 15-8 dịch đã lan ra 185/238 thôn, buôn với 23.899 con heo bị bệnh và đã tiêu hủy 3.127 con. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Ea Kar đã rơi vào cảnh “trắng” chuồng. Cô Lê Thị Liên (thôn Ninh Thanh 1, xã Ea Kmut, huyện Ea Kar) cho biết, gia đình nuôi được 20 con heo, trong đó có 4 con heo nái. Khi phát hiện heo bị bệnh cứ nghĩ là bệnh thông thường nên mua thuốc tự chữa, đến khi heo không khỏi gia đình mới báo cho thú y thì bệnh đã lây sang cả đàn và chết hết. Bây giờ chỉ còn chuồng không. Chị Trần Thị Nga (ở cùng thôn) cũng rơi vào tình trạng tương tự, đến khi dịch được công bố thì đàn heo đã chết hết. Tại huyện Krông Pak khi công bố dịch cũng chỉ có 6 xã với hơn 1.000 con bị bệnh, đến nay dịch cũng đã lan ra toàn huyện. Trong ngày 15-8 có đến 1.100 con heo mới phát bệnh, nâng tổng số heo bị bệnh lên 25.551 con, tiêu hủy 5.278 con. Trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột dịch cũng lây lan với tốc độ nhanh, đến ngày 15-8 đã có 11 xã, phường có dịch với 602 con heo bị bệnh, tiêu hủy 191 con.
Khiêng heo đi tiêu hủy tại thôn 2, xã Cư Ni (huyện Ea Kar). |
Theo Chi cục Thú y, từ ngày 10-8 đến 15-8-2010, dịch heo tai xanh tiếp tục phát sinh thêm nhiều ổ dịch mới ở các địa phương với tốc độ lây lan nhanh. Hiện đã phát hiện thêm dịch heo tai xanh ở 37 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thị mới là M’Drak, Cư Kuin, Krông Buk, Cư M’gar, Ea Súp, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ. Như vậy, từ cuối tháng 7-2010 đến nay, dịch heo tai xanh đã xảy ra tại 78 xã, phường, thị trấn thuộc 10/15 huyện, thị, thành của tỉnh Dak Lak. Tổng số heo mắc bệnh là 55.986 con; số chết và tiêu hủy là 9.740 con. Ngày 12-8-2010, UBND tỉnh Dak Lak đã ban hành Quyết định số 2028/QĐ-UBND công bố dịch trên toàn địa bàn tỉnh. Trong khi dịch bệnh đang lây lan trên diện rộng thì hiện tượng bán chạy heo ốm, vận chuyển lén lút heo từ vùng dịch sang vùng không có dịch đã diễn ra. Đến ngày 12-8, ở các chốt kiểm dịch đã phát hiện và xử lý 6 trường hợp vi phạm với 77 con heo bị bệnh phải đem tiêu hủy. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Tình trạng các đầu nậu thu mua heo bệnh với giá rẻ và lách qua các chốt kiểm dịch để đưa heo đến lò mổ hoặc chở ra các điểm tiêu hủy để hưởng tiền chênh lệch hỗ trợ tiêu hủy của Nhà nước vẫn đang diễn ra phức tạp và khó kiểm soát.
Lúng túng trong phòng chống dịch
Ngày 12 - 8, UBND tỉnh ra Quyết định số 2028/QĐ-UBND công bố dịch tai xanh ở heo trên toàn tỉnh. Quyết định nêu rõ: Trong thời gian có dịch tạm ngừng vận chuyển, mua bán heo và sản phẩm của heo ra, vào tỉnh cho đến khi có quyết định công bố hết dịch; các phương tiện giao thông trong vùng dịch đi ra đều phải tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ thú y về tiêu độc khử trùng theo quy định; chủ vật nuôi có trách nhiệm tuân theo sự hướng dẫn của cơ quan thú y trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng; việc hỗ trợ phòng, chống dịch tai xanh thực hiện theo Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 5-6-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. |
Nguyên nhân của tình trạng dịch bệnh heo tai xanh lan nhanh trên đàn heo của các địa phương là do tính chất nguy hiểm của dịch, kết hợp với điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus tồn tại và phát tán... Nhưng chính việc phát hiện bệnh chậm, chính sách hỗ trợ dịch bệnh không kịp thời, công tác giám sát, chống dịch còn nhiều bất cập… làm tình trạng dịch bệnh phức tạp và lan rộng. Khi có dịch xảy ra, nhiều hộ chăn nuôi và thú y cơ sở mua thuốc điều trị và không khai báo dịch, đến khi dịch lan rộng mới báo cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương. Còn Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp đã bị động khi dịch xảy ra do chưa có kinh nghiệm xử lý. Đơn cử như huyện Ea Kar, ngày 20-7, phát hiện đàn heo trên địa bàn 5 xã bị bệnh với những biểu hiện sốt, đi phân lỏng…, người dân cứ nghĩ là những bệnh thông thường nên đã tự chữa. Tuy nhiên, khi thấy bệnh có phần thuyên giảm, người dân dừng thuốc thì bệnh lại tái phát, lúc đó người dân mới báo cho thú y cơ sở biết và lại tiếp tục cùng với cán bộ thú y điều trị. Sau một thời gian, nhận thấy tình hình bệnh có những diễn biến phức tạp, cán bộ thú y mới báo lên huyện và huyện đi kiểm tra xong mới báo cho Chi cục Thú y xuống lấy mẫu và gửi đến Phân viện Thú y miền Trung để xét nghiệm. Đến khi có kết quả dương tính với bệnh tai xanh và đợi công bố dịch thì dịch heo tai xanh đã lan ra 14/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng NN-PTNT cho biết, từ khi heo bị bệnh và đến khi phát hiện bệnh là một quá trình kéo dài khiến chính quyền vào cuộc không kịp. Trong đó, dài nhất là lộ trình người dân tự chữa bệnh cho heo và tâm lý giấu dịch bởi các hộ chăn nuôi là những người hiểu rõ nhất nếu có dịch bệnh thì đàn heo sẽ không bán được. Tiếp theo là đợi công bố dịch, mặc dù chính quyền huyện đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ngay khi có kết quả xét nghiệm, nhưng khi chưa có Quyết định công bố dịch thì huyện không dám cho tiêu hủy heo chết cũng như lập các chốt kiểm soát vì liên quan đến vấn đề hỗ trợ cho người chăn nuôi và người tham gia chống dịch. Điều này đã làm cho công tác chống dịch bị động và lúng túng, trong khi dịch lây lan nhanh, số heo chết càng nhiều và tình trạng bán tháo, bán đổ đàn heo trong dân không kiểm soát được. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương có dịch bệnh tai xanh sớm nhất.
Một vấn đề đáng nói nữa là sự chủ quan trong công tác chống dịch. Theo quy định, những người tiêu hủy heo bệnh phải mang đồ bảo hộ như khẩu trang, giày cao su (ủng), găng tay… Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi ở một số địa phương, khi đi tiêu hủy heo chết các thành phần tham gia không một ai mang đồ bảo hộ, kể cả thứ tối thiểu nhất là chiếc khẩu trang. Khi được hỏi thì họ trả lời rất “vô tư”: Cấp trên chưa duyệt kinh phí! Không có đồ bảo hộ, liệu có ai dám bảo đảm rằng họ không mang theo mầm bệnh phát tán khắp nơi trong quá trình đi tiêu hủy heo bệnh, đó là chưa kể việc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người trực tiếp chống dịch. Bên cạnh đó, tình trạng ở một số địa phương không có nơi chôn tập trung mà phải chôn tại gia đình cộng với việc tiêu hủy heo chết phải có sự chứng kiến, giám sát đầy đủ của các thành phần theo quy định nên đã xảy ra không ít trường hợp người dân “phơi” xác heo chết trong chuồng, ngoài vườn để chờ lực lượng chức năng đến làm thủ tục chôn. Điều này cũng sẽ gây ra nhiều tác hại khó lường về môi trường và kiểm soát dịch bệnh.
Theo Chi cục Thú y cho biết, ngoài việc triển khai nhanh chóng các biện pháp chống dịch, Chi cục cũng đã cấp bổ sung 3.551 lít hóa chất sát trùng cùng với 250 đôi ủng, 250 bộ quần áo giấy, 3.000 đôi găng tay, 3.000 khẩu trang, đồng thời gửi phác đồ hỗ trợ điều trị bệnh cho các vùng bị dịch. Tuy nhiên, tại các địa phương, công tác chống dịch cần thực hiện có hiệu quả hơn cũng như cần có sự vào cuộc của các ngành, các cấp và nhân dân trong vùng.
Hiện nay cả nước đã có 22 tỉnh là Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Tiền Giang, Lào Cai, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Dak Lak, Hậu Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. |
Ý kiến bạn đọc