Multimedia Đọc Báo in

Những con đường chờ vốn

09:01, 13/09/2011

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, giá cả leo thang, cùng với việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về cắt giảm đầu tư công, nhiều dự án xây dựng đường giao thông trên địa bàn Dak Lak đang nằm chờ vốn, trong khi một số dự án đã hoàn thành thì việc giải ngân gặp rất nhiều khó khăn.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn phía Nam TP. Buôn Ma Thuột thuộc dự án đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 13,5km, gồm 4 gói thầu (trong đó, có 3 gói thi công đường và 1 gói thi công cầu), với tổng kinh phí 437,113 tỷ đồng bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Đến thời điểm hiện tại, trong số 4 gói thầu của dự án thì gói số 3 (từ Km725+464 đến Km733+853.55) đạt khối lượng thi công lớn nhất, đã rải thảm nhựa được 4/8,3 km. Còn lại, gói thầu số 4 (gồm cầu Duy Hòa và cầu Ea Tam) chỉ mới hoàn thành chưa đầy 20% khối lượng (một phần trụ và dầm cầu Ea Tam); gói số 1 (từ Km720+805.11 đến Km723.00) mới bắt đầu triển khai; gói số 2 (từ Km723.00 đến Km123.64) chưa bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công. Dù bắt đầu triển khai thi công từ tháng 9-2009, nhưng đến nay, số vốn đã giải ngân cho toàn bộ dự án trên mới chỉ được khoảng 15% tổng kinh phí đầu tư cho dự án. Ngày 4-5-2011, Bộ GTVT có thông báo tạm dừng các gói thầu của dự án, chỉ tiếp tục thi công cầu Ea Tam và chờ bố trí vốn. Ông Võ Duy Hưng, cán bộ Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông vận tải) than thở: “Vì thiếu vốn nên từ việc đền bù giải phóng mặt bằng đến thi công các hạng mục công trình rất khó khăn, chưa biết đến bao giờ dự án mới được khai thông!”.

Dự án giao thông Dak Lak- Gia Lai triển khai từ năm 2008 với số vốn hơn 100 tỷ đồng nhưng đang tạm dừng vì thiếu vốn.
Dự án giao thông Dak Lak- Gia Lai triển khai từ năm 2008 với số vốn hơn 100 tỷ đồng nhưng đang tạm dừng vì thiếu vốn.
Trong khi đó, những dự án triển khai bằng nguồn ngân sách tỉnh cũng trong tình trạng tương tự. Một số dự án đã hoàn thành nhưng nhà thầu vẫn chưa thanh toán được tiền theo hợp đồng, có dự án đang triển khai nhưng…hết tiền nên tạm dừng, thậm chí có dự án dù có nhu cầu cấp thiết cũng không thể triển khai do không được bố trí vốn. Hiện Sở GTVT đang quản lý tất cả 14 dự án làm cầu, đường gồm cả dự án chuyển tiếp từ năm 2010 và dự án lập mới trong năm nay. Trong đó, Dự án đường nối Quốc lộ 26 với đường liên tỉnh Dak Lak – Phú Yên, bắt đầu triển khai từ đầu năm 2011, đang thi công 2/3 gói thầu; riêng gói số 1 (gồm 1 km đường và 1 cầu), mặc dù Sở GTVT đã hoàn chỉnh hồ sơ và đề nghị mở thầu, nhưng Sở Kế hoạch Đầu tư đã kiến nghị UBND tỉnh tạm ngưng bố trí vốn. Gói thầu số 4 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 8 (gồm 1 km đường và hệ thống thoát nước) theo kế hoạch cần 10 tỷ đồng mới đáp ứng đủ nhu cầu, nhưng đến nay mới chỉ bố trí được 900 triệu đồng. Dự án cầu Buôn Trấp, huyện Krông Ana có yêu cầu cấp thiết nhưng chưa xong các hạng mục mố, trụ, dầm cầu thì phải tạm ngưng để đề xuất vốn…Bên cạnh đó, một số dự án, các nhà thầu đã tự tìm nguồn vốn để hoàn thành công trình nhưng vẫn chưa nhận được tiền hoặc nhận được rất ít như: Dự án cải tạo nâng cấp Tỉnh lộ 10 có tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng đã hoàn thành, nhưng đơn vị thi công (Công ty TNHH xây dựng Hoàn Vũ) mới chỉ nhận được 500 triệu đồng; Dự án cầu Km 19 và cầu Dak Tour – Tỉnh lộ 12, vốn đầu tư 7 tỷ đồng, đã hoàn thành nhưng chưa được bố trí vốn…Còn lại, 3 dự án dự định khởi công trong năm nay cũng phải hoãn lại chờ kinh phí. Ông Vương Khả Phụng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án, Sở GTVT cho biết: đây là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì Dak Lak. Để khắc phục khó khăn trên, trong lúc chờ vốn, sở sẽ động viên các nhà thầu hoàn thành dự án đúng kế hoạch trong khả năng có thể và chờ bố trí nguồn vốn sau.

Minh Thông

Ý kiến bạn đọc