Thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy: Cần sự vào cuộc tích cực của người dân, doanh nghiệp
Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) (từ năm 2001 đến nay), nhìn chung công tác PCCC trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản. Tuy nhiên trong thực tế công tác này vẫn bộc lộ những bất cập…
Nguy cơ cháy nổ còn tiềm ẩn cao...
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 10 năm qua trên địa bàn tỉnh xảy ra 243 vụ cháy, 4 vụ nổ, làm chết 25 người, bị thương 19 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 25 tỷ đồng. So với 10 năm trước, tình hình cháy tăng cả về 3 mặt (số vụ cháy, số người bị thương và giá trị tài sản thiệt hại). Trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 25 vụ cháy, thiệt hại về tài sản khoảng 2,5 tỷ đồng. Gần đây nhất, vào ngày 15-3-2012 đã xảy ra vụ cháy tại kho chứa mùn cưa của Công ty Cổ phần gỗ Trường Thành II khiến 1 người chết, 2 người bị thương.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thực hành phương án chữa cháy. |
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (CHCN) (Công an tỉnh), một trong những nguyên nhân khách quan là do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn diễn ra mạnh mẽ, kéo theo sự ra đời ngày càng nhiều các chợ, trung tâm thương mại, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp có quy mô hoạt động lớn, đồng nghĩa với nguy cơ cháy nổ vẫn còn tiềm ẩn cao. Tính đến nay toàn tỉnh có 1 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp; 104 chợ, trung tâm thương mại và siêu thị; 88 chợ xã, phường, thị trấn. Kết quả kiểm tra của Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN về việc chấp hành các quy định PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn cho thấy: nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng cơi nới, bày bán hàng hóa chiếm lối đi lại nên không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC và điều kiện thoát nạn; việc sắp xếp hàng hóa và bố trí các ngành kinh doanh không phù hợp yêu cầu về PCCC; nhiều chợ chưa triển khai diễn tập các phương án chữa cháy theo quy định, đặc biệt là không có hệ thống cấp nước chữa cháy, hoặc có nhưng không sử dụng được nên không phát huy tác dụng khi xảy ra cháy nổ. Như vụ cháy chợ Ea Súp xảy ra vào tháng 12-2011 đã thiêu rụi 24 ki ốt hàng hóa, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng… là một minh chứng rõ nhất về những bất cập trong công tác PCCC tại các chợ. Bởi dù là một chợ trung tâm, đã đi vào hoạt động nhiều năm nay, song chợ Ea Súp vẫn chưa được hoàn thiện quy hoạch, khu vực xảy ra cháy chưa được đầu tư, trang bị thiết bị PCCC theo quy định.
Một vấn đề đáng lưu ý nữa là nhiều người dân, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh chưa có ý thức chấp hành các quy định về PCCC nên số vụ cháy xảy ra do nguyên nhân chủ quan của con người chiếm tỷ lệ cao. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đều vi phạm quy định về PCCC. Nhiều chủ cơ sở sản xuất cho biết, dù nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC nhưng do phải “thắt chặt hầu bao” nhằm giảm tối đa chi phí đầu tư nên họ không đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ PCCC hoặc nếu có thì cũng chỉ để đối phó với cơ quan chức năng. Vì vậy, khi xảy ra sự cố cháy nổ, không có khả năng ứng phó, dập tắt kịp thời. Theo thống kê của Phòng cảnh sát PCCC và CHCN, có đến 81,1% số vụ cháy nguyên nhân là do sơ suất trong sử dụng lửa sinh hoạt, sử dụng thiết bị điện và 81,5% tổng số vụ xảy ra ở khu vực kinh tế tư nhân và nhà dân.
Cần nâng cao ý thức PCCC trong cộng đồng
Từ khi có Luật PCCC, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các sở, ban ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật PCCC đến mọi người dân; lực lượng cảnh sát PCCC cũng tích cực vào cuộc, tổ chức hơn 7.300 lớp tập huấn, huấn luyện công tác PCCC cho các lực lượng PCCC tại khu dân cư. Các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm, đặc biệt là với những cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy nổ cao, các khu, cụm công nghiệp, nhà cao tầng. Theo quy định, tất cả các chợ, trung tâm thương mại đã hoặc đang hoạt động phải có thiết kế PCCC đủ tiêu chuẩn, đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC, có lực lượng PCCC được tập huấn nghiệp vụ cơ bản cũng như phương án PCCC cụ thể… Tuy nhiên, việc thực thi Luật vẫn chưa triệt để, còn nhiều người chưa có ý thức, trách nhiệm PCCC. Do lực lượng chuyên ngành còn mỏng, công tác kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên nên việc chấp hành các quy định về PCCC tại những điểm có nguy cơ cháy nổ cao vẫn lơi lỏng. Thái độ chủ quan, lơ là, không tự giác bảo vệ tính mạng, tài sản gia đình trong sinh hoạt hằng ngày của một bộ phận không nhỏ người dân cũng như các hộ kinh doanh đã ảnh hưởng lớn đến nỗ lực phòng chống cháy nổ của cơ quan chức năng.
Hiện nay, việc xây dựng các đội dân phòng và lực lượng PCCC tại cơ sở còn nhiều khó khăn do thiếu phương tiện và kinh phí hoạt động. Do đó, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như người dân cần nâng cao ý thức PCCC, xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân bằng cách luôn thực hiện tốt các điều kiện an toàn về PCCC, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ để chủ động phòng chống, chữa cháy kịp thời khi xảy ra sự cố.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc