Liên thông xét nghiệm là để chữa bệnh tốt hơn!
Sáng 1-11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, đông đảo cử tri cả nước theo dõi, tán đồng với phần trả lời về vấn đề liên thông kết quả xét nghiệm y tế của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và mong muốn thời gian thực hiện sớm được triển khai.
Theo trả lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khi mới được giao theo dõi lĩnh vực y tế, thì ông đã gặp rất nhiều người, đặc biệt các nhà khoa học và được thông tin, phản ánh về cơ cấu chi phí khám, chữa bệnh. Theo đó, chi phí tiền thuốc có thời điểm chiếm 49%, kết quả xét nghiệm trên 11%, chụp chẩn đoán hình ảnh 8%. Đây là một tỷ lệ quá lớn và rất lãng phí. Một trong những nguyên nhân khiến chi phí dành cho xét nghiệm cao theo Phó Thủ tướng là do chính sách về quản lý tài chính của cơ cở y tế, đặc biệt là huy động xã hội hoá (thực chất là tư nhân hóa) trong nhiều năm đối với việc đặt máy móc xét nghiệm nên có động cơ tìm mọi cách để xét nghiệm nhiều.
Là một bệnh nhân và từng đưa nhiều người thân đến các bệnh viện (kể cả công và tư nhân) ở tuyến tỉnh và Trung ương khám bệnh, tôi chứng kiến nhiều trường hợp “đắng lòng” vì cơ sở y tế này không sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở y tế khác (kể cả bệnh viện tuyến dưới không chấp nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện tuyến trên) dù các xét nghiệm được thực hiện cách đó vài ngày, thậm chí trong ngày. Hậu quả - người bệnh phải mất thêm một lần tiền cho việc thực hiện các xét nghiệm, thời gian.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột đang thăm, khám bệnh. |
Còn nhớ cách đây không lâu, một người thân của tôi về Bệnh viện H.H. (TP. Hồ Chí Minh) khám bệnh tổng quát. Theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân phải thực hiện không dưới 5 loại xét nghiệm, chụp chẩn đoán hình ảnh. Sau hơn 8 giờ tiến hành làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện kết luận trong ổ bụng của bệnh nhân có một khối u to gần bằng quả trứng cần phải chuyển sang bệnh viện khác để điều trị chuyên sâu. Chưa đầy một giờ sau, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện C.R. (TP. Hồ Chí Minh) để đăng ký khám bệnh và cũng được yêu cầu tiến hành làm một số xét nghiệm, chấn đoán hình ảnh như bệnh viện trước, dù người nhà tôi đã trình bày với bác sĩ và đưa ra các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh vừa làm ở Bệnh viện H.H. Nhưng bác sĩ Bệnh viện C.R. không đồng ý, với lý do “Bệnh viện này không sử dụng kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện khác!”
Hay mới đây có một bệnh nhân bị hoại tử cánh tay phải, sau thời gian điều trị ở một bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh được bệnh viện cho xuất viện về tuyến tỉnh tiếp tục theo dõi, chăm sóc vết thương. Về bệnh viện địa phương, các bác sĩ tuyến tỉnh chỉ định phải làm lại nhiều xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh dù bệnh nhân này cũng đã trình kết quả vừa mới được bệnh viện tuyến trên thực hiện trước khi cho xuất viện. Rất may, nhờ có bảo hiểm y tế, nên chi phí điều trị không quá tốn kém, không trở thành gánh nặng cho bệnh nhân này.
Theo như trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc liên thông xét nghiệm thực ra rất đơn giản. Các phòng xét nghiệm ở các cơ sở y tế đạt chuẩn là liên thông được. Bộ Y tế cần ban hành chuẩn phòng xét nghiệm, sau đó cho tổ chức kiểm tra, xác nhận đạt chuẩn là liên thông được. Còn nếu phòng xét nghiệm không đạt chuẩn thì không được xét nghiệm. Đồng thời, cũng cần quán triệt về thời hạn trong xây dựng đề án, liên thông sớm ngày nào thì tiết kiệm cho người bệnh ngày đấy, nhưng quan trọng hơn là chữa bệnh tốt hơn. Đề nghị các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, địa phương cũng chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế của mình phải tham gia vào đề án này, bước qua lợi ích cục bộ của mình.
Hiện nay, nhiều bệnh viện đã được đầu tư trang thiết bị máy móc, nguồn nhân lực chất lượng cao do đó cần sớm triển khai việc liên thông kết quả xét nghiệm y tế để người bệnh đỡ bớt gánh nặng khám chữa bệnh và thời gian thực hiện các xét xét nghiệm, quan trọng hơn là để chữa bệnh tốt hơn - đúng như tinh thần trả lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc