Multimedia Đọc Báo in

Sẵn sàng cho công tác di dời Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

15:09, 01/02/2019

Đến thời điểm này, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã cơ bản hoàn tất các khâu chuẩn bị cho công tác di dời chuyển hoạt động từ cơ sở cũ qua cơ sở mới vào ngày 12-2 tới đây. PV Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bác sĩ CKII Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên xung quanh nội dung này.

* Thưa ông, đến thời điểm này, Bệnh viện đã có sự chuẩn bị như thế nào cho công tác di dời sang hoạt động tại cơ sở mới?

- Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã xây dựng kế hoạch di dời và được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, công tác di dời được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn một bắt đầu từ 31-12-2018 đến đầu tháng 2-2019 với việc di dời máy móc, trang thiết bị lớn. Đến nay, các máy móc, trang thiết bị lớn về cơ bản đã di dời hoàn tất. Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 12-2-2019 (tức ngày mùng 8 tháng Giêng) sẽ di dời bệnh nhân và tất cả các thiết bị nhỏ, hệ thống hành chính. Dự kiến việc di dời được thực hiện trong vòng từ 10 đến 12 ngày. Để công tác di dời lần hai thực hiện đúng tiến độ, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chi tiết rất chặt chẽ và cũng đã hợp đồng với Trung đoàn 95 huy động 280 chiến sĩ cùng 15 xe ô tô từ 7-10 tấn để phục vụ công tác di dời.

Bác sĩ CKII Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên
Bác sĩ CKII Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

* Trong quá trình di dời, hoạt động khám chữa bệnh cũng như điều trị cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nội trú sẽ được triển khai ra sao, thưa ông?

- Trong thời gian di dời, Bệnh viện tiếp tục khám chữa bệnh tại cơ sở cũ. Riêng khoa khám sẽ nghỉ khám bệnh 5 ngày, từ ngày 14 đến ngày 19-2-2019, trong đó có 2 ngày thứ bảy và chủ nhật. Từ ngày 20-2-2019, chúng tôi bắt đầu khám bệnh ở cơ sở mới tại 154 Trần Quý Cáp, TP. Buôn Ma Thuột. Đối với công tác điều trị bệnh nhân nội trú, chúng tôi đã có kế hoạch trình Sở Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế cũng đã có văn bản đề nghị tất cả bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh, cũng như các đơn vị bạn ở tỉnh lân cận hỗ trợ cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong quá trình di dời bệnh nhân. Cụ thể, bệnh viện sẽ tiếp tục điều trị đối với các mặt bệnh có thể đảm đương được. Còn những bệnh liên quan đến can thiệp tim mạch sẽ chuyển về TP. Hồ Chí Minh hoặc Khánh Hòa để bệnh nhân tiếp tục điều trị. Riêng một số bệnh thông thường, chúng tôi sẽ nhờ hỗ trợ của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

* Thời gian gần đây, dư luận đang dấy lên thông tin công trình bệnh viện mới xây dựng có nhiều bất cập, chưa đảm bảo được một số điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ công tác khám chữa bệnh. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Công trình bệnh viện mới được xây dựng từ năm 2008 nên thiết kế xây dựng có những cái chưa phù hợp với thời điểm bây giờ. Tại thời điểm đó bệnh viện được thiết kế với quy mô 800 giường bệnh, nhưng hiện tại số lượng bệnh nhân lên đến 1.200 người mỗi ngày. Vì vậy, bệnh viện đã làm tờ trình đề nghị Sở Y tế, UBND tỉnh cho phép nâng cấp và sửa chữa một số hạng mục để đáp ứng được yêu cầu phục vụ của tất cả các khoa phòng, đảm bảo công tác khám chữa bệnh diễn ra thuận lợi. Trên thực tế chúng ta không thể cầu toàn 100% ngay từ đầu mà trong quá trình hoạt động sẽ tiếp tục điều chỉnh và bổ sung sửa chữa để bệnh viện ngày càng hoàn thiện.

Cơ sở mới của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã sẵn sàng đi vào hoạt động.
Cơ sở mới của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã sẵn sàng đi vào hoạt động.

* Cùng với việc di dời, người dân rất chú trọng đến chất lượng khám chữa bệnh. Vậy, thời gian tới bệnh viện sẽ quan tâm vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Công tác khám chữa bệnh là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của bệnh viện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là nhiệm vụ xuyên suốt của ngành Y tế. Bất kỳ bệnh viện nào muốn tồn tại phải đảm bảo được chất lượng khám chữa bệnh. Chính vì thế, Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện đã họp bàn rất nhiều lần và đưa ra phương hướng, kế hoạch trong thời gian tới. Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi này, chúng tôi đã chuẩn bị rất đầy đủ phương tiện cấp cứu, đồng thời chuẩn bị 400 đơn vị máu cho công tác cấp cứu bệnh nhân. Sau đó, chuyển sang bệnh viện mới chúng tôi tiếp tục triển khai nhiều hoạt động khác và kỹ thuật mới như: thực hiện phẫu thuật tim hở, phẫu thuật nội soi tiết niệu, nội soi tiêu hóa và tất cả các phẫu thuật về thần kinh. Bên cạnh đó cũng sẽ tiếp tục tăng cường thêm các can thiệp về tim mạch, mạch máu não. Đặc biệt trong năm 2019, bệnh viện sẽ tổ chức 2 Hội nghị chuyên ngành lớn để nâng tầm bệnh viện cũng như nâng tầm ảnh hưởng của ngành Y tế tỉnh trong khu vực.

*Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.