Multimedia Đọc Báo in

Mưa lớn, nhiều địa phương bị chia cắt trong nước lũ

08:18, 08/08/2019
Trận mưa lớn nhất từ đầu mùa khiến nhiều tuyến đường giao thông, nhà cửa, hoa màu của người dân ở các huyện như Ea Súp, Buôn Đôn, TP. Buôn Ma Thuột bị ngập nặng; nhiều nơi đã bị chia cắt, cô lập trong nước lũ.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của nhiễu động gió đông trên cao, trong 14 giờ qua (từ 19 giờ ngày 6-8 đến 9 giờ ngày 7-8), trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được trung bình đạt từ 70-80 mm, cục bộ một số điểm lượng mưa lớn như: huyện Ea Súp (trạm Ea Rốk 245 mm, trạm Ia Lốp 370 mm), huyện Buôn Đôn (trạm Ea Bar 270 mm, trạm Ea Wer 191 mm), huyện Cư M’gar (trạm Ea Tul 180 mm), TP. Buôn Ma Thuột 120 mm…

Tỉnh lộ 1, đoạn qua xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) bị ngập sâu trong nước.
Tỉnh lộ 1, đoạn qua xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) bị ngập sâu trong nước.

Ngày 7- 8 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa đến mưa to gây ngập lụt cục bộ tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar và các vùng lân cận, nhiều thôn, xã đã bị nước lũ chia cắt, cô lập.

Đường ở thôn 6, xã Ea M'lan (huyện Ea Súp) bị ngập sâu.
Đường ở thôn 6, xã Cư M'lan (huyện Ea Súp) bị ngập sâu.

Tại huyện Ea Súp, tình hình ngập lụt xảy ra cục bộ tại thôn 5, 6 (thị trấn Ea Súp); thôn 6, 7 (xã Cư M'lan), thôn 5a, 5b (xã Cư Kbang). Riêng xã Ya Tờ Mốt bị chia cắt do tuyến tỉnh lộ 1 bị ngập sâu đoạn qua cầu Đắk Bùng (hiện tại, điểm sâu nhất khoảng 1 m). Theo thông tin ban đầu chưa có thiệt hại về người, song hơn 200 nhà dân đã bị ngập sâu từ 1,5-2 m; nhiều tài sản, vật dụng sinh hoạt, gia súc gia cầm của các gia đình bị nước nhấn chìm và cuốn trôi. Hàng trăm ha hoa màu, cây trồng, ao cá bị ngập trong nước; nhiều tuyến đường bị chia cắt vì ngập lụt. 

Ông Nguyễn Văn Phúc (thôn 6, xã Cư Mlan) cho hay, mưa lớn khiến nước dâng cao làm ngập nhà trong đêm (lúc 3 giờ sáng) khiến nhiều gia đình trong thôn không kịp trở tay. Hàng trăm con gia súc, gia cầm của bà con bị trôi theo dòng nước lũ, nhà ông bị trôi ít (3 con vịt và 2 con heo); còn hộ bên cạnh là nhà chị Nguyễn Thị Bảy trôi mất 40 con gà…

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập lụt.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập lụt.
 
Tại huyện Buôn Đôn, mưa lớn gây ngập lụt cục bộ một số điểm tại buôn Tul, buôn Ea Brih, các thôn 5, 7, 9 (xã Ea Wer); thôn 8 (xã Ea Huar) bị chia cắt do nước ngập qua đường khoảng 1 m; một số buôn tại xã Cư Knia cũng bị ngập nặng. Theo Phòng NN-PTNT huyện, từ 4 giờ sáng nay (ngày 7-8), lực lượng chức năng tập trung di dời tài sản, gia súc gia cầm của người dân về trung tâm các xã. Hiện huyện đã di dời được 2 hộ dân thuộc buôn Ea Brih ra khỏi vùng ngập và cứu được 2 cha con mắc kẹt trên cây…
 
Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến tỉnh lộ 1 đi qua huyện Buôn Đôn bị chia nhiều đoạn, cụ thể: tại km22+700 – km22+800 đoạn qua xã Ea Wer và km29+400 đoạn qua xã Ea Huar bị ngập sâu trong nước. Ông Nguyễn Thanh Liêm (nhà ở đoạn km 22, xã Ea Wer) cho biết, tối qua (ngày 6-8) trên địa bàn mưa rất to và đến 5 giờ sáng (ngày 7-8) nước dâng ngập đường. Cả nhà phải lấy gạch, đá chặn lại để nước không tràn vào nhà. Nếu mưa thêm bữa nữa thì nhà sẽ không tránh khỏi bị ngập.
 
Ông Mai Trọng Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay lượng mưa đã bắt đầu ngớt, cơ quan chức năng địa phương đang triển khai lực lượng vào vùng tâm lũ để giúp người dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Trong đêm 6-8, mưa lớn suốt đêm cũng khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột bị ngập nặng. Nhiều đoạn trũng nước dâng cao đến hơn 1 m đã gây ra ách tắc giao thông cục bộ. Ngoài ra, Hồ 201 (xã Cư Bur) nước dâng nhanh và tràn qua đỉnh đập, nguy cơ xảy ra sự cố đập.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn huyện Ea Súp triển khai biện pháp ứng phó với mưa lũ.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn huyện Ea Súp triển khai biện pháp ứng phó với mưa lũ.

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, mưa lớn đang đe dọa sự an toàn của các công trình thủy lợi. Hiện tại, mực nước tại các hồ chứa vẫn đang tiếp tục lên đặc biệt là các hồ chứa thuộc khu vực huyện Ea Súp, Buôn Đôn. Đáng chú ý là mực nước hồ Ea Súp Hạ cao hơn mực nước dâng bình thường 50 cm, từ đêm ngày 6-8 đã mở xả 3 cửa; hồ Đội 6 xã Ia Lốp nước cũng đã tràn qua đỉnh đập khoảng 20 cm.

Để đảm bảo an toàn cho các công trình trên địa bàn huyện Ea Súp, Công ty đã chỉ đạo chi nhánh Ea Súp tiến hành làm thông báo và mở nước qua tràn xả lũ Ea Súp hạ với lưu lượng từ 70 m3/s – 100 m3/s. Còn đối với hồ Đội 6 (xã Ia Lốp) hiện tại mực nước hồ đã bắt đầu rút, tuy nhiên do nước lũ về nhanh nên các tuyến đường để vào công trình hồ Đội 6 đều đã bị nước lũ tràn qua và bị chia cắt không thể vào được.

Trước tình hình trên Công ty đã có báo cáo với UBND huyện Ea Súp về tình hình mưa lũ tại các công trình trên địa bàn huyện, đặc biệt là hồ Đội 6 để có phương án kịp thời di dân ra khỏi vùng hạ lưu công trình, tránh tình trạng thiệt hại về người và tài sản.

Đối với các công trình khác, công ty tiếp tục cập nhật theo dõi diễn biến tình hình thời tiết tại chỗ; cắt cử cán bộ, người lao động thường xuyên túc trực tại các công trình, theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, quan trắc lượng nước đến tại các hồ chứa, đặc biệt đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các hồ chứa có tràn xả lũ điều tiết bằng cửa van. Đồng thời Công ty yêu cầu các đơn vị khi phát hiện các hiện tượng có nguy cơ mất an toàn cho công trình phải báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lãnh đạo Công ty để xin ý kiến chỉ đạo.

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn sơ tán người dân đến nơi an toàn.
 
Hiện nay, trên cơ sở thông tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng thường trực nhắn tin cảnh báo, chỉ đạo đến 841 thuê bao là Ban chỉ huy các cấp chính quyền địa phương chủ động phương án ứng phó với tình hình mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.
 
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN cấp huyện, cấp xã đã cử cán bộ tổ chức trực tại các vị trí đường bị nước ngập sâu, không cho người dân qua lại; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, di dời tài sản, vật nuôi. Các đơn vị quản lý hồ đang thực hiện các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn công trình và nhân dân vùng hạ du.
 
°Mưa lớn ở khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mundulkiri (Campuchia) đã gây ngập lụt các đồn, chốt của lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia đối diện với Đồn Biên phòng Sêrêpốk (Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk).
 
Nhận được đề nghị cứu hộ, chiều 7-8, Đồn Biên phòng Sêrêpốk triển khai lực lượng và dùng xuồng máy cứu hộ 4 sĩ quan, binh sĩ của Đồn Cảnh sát Mê Ruk (Ty Công an tỉnh Mundulkiri) và 4 người dân Campuchia. Các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cũng đã tiến hành chăm sóc sức khỏe cho các sĩ quan, binh sĩ và người dân Campuchia.
 
Ứng phó khẩn cấp với mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở 
 
UBND tỉnh vừa có Công điện gửi các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương về việc ứng phó khẩn cấp với mưa lớn gây lũ, ngập lụt và sạt lở trên địa bàn tỉnh.
 
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản; rà soát, kiên quyết sơ tán dân cư tại khu vực nguy hiểm, đặc biệt là nhà ở có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu; kiểm tra, thực hiện các biện pháp quản lý an toàn hồ, đập, công trình đang thi công dở dang, nhất là công trình hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường.
 
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi cập nhật thông tin, kịp thời chỉ huy ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi địa phương theo quy định; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp báo cáo thống kê đánh giá thiệt hại…
 
Bá Thăng

Thuận Tuyết  Lân 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.