Multimedia Đọc Báo in

"Loạn" khẩu trang vải kháng khuẩn

22:06, 28/03/2020

Những ngày này, khẩu trang đã trở thành vật bất ly thân của mỗi người dân khi ra đường. Cùng với đó thị trường khẩu trang cũng xuất hiện rất nhiều chủng loại với đủ các mức giá, nhất là khẩu trang vải kháng khuẩn. Làm thế nào để lựa chọn được loại khẩu trang phù hợp cũng khiến không ít người tiêu dùng đau đầu…

 “Cơn sốt” khẩu trang y tế tạm lắng

Khi những ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, nhu cầu về khẩu trang y tế chưa bao giờ lại nhiều đến thế. Tại không ít nơi đã diễn ra tình trạng chen lấn, giành giật từng hộp khẩu trang y tế với mức giá "trên trời". Và khi mặt hàng này chịu sự quản lý gắt gao của ngành chức năng thì người tiêu dùng “đỏ mắt” tìm mua cũng không có hàng do các nhà thuốc, quầy thuốc đồng loại ngưng bán. Theo chia sẻ của một chủ quầy thuốc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột: “Giờ chẳng ai dại gì mà bán khẩu trang y tế, muốn nhập thì phải mua với giá mức 300 - 400 nghìn đồng/hộp nhưng chỉ được ghi hóa đơn giá 50 nghìn đồng/hộp. Còn khi bán, nếu bán theo giá cũ thì lỗ, nâng giá để có lời thì quản lý thị trường “tuýt còi” ngay. Thế nên an toàn nhất là không bán”.

Là một trong những đơn vị cung ứng vật tư y tế đến cơ sở bán lẻ, Công ty Cổ phần Dược – Vật tư y tế Đắk Lắk cũng khá “đau đầu” với mặt hàng khẩu trang y tế khi nhận những lời chào hàng từ các nhà máy đều có giá rất cao. Ông Phan Thành Trinh, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: “Thời gian gần đây, khẩu trang y tế là vấn đề cực kỳ khó khăn trong quá trình cung ứng của doanh nghiệp. Thực tế nguồn cung hiện không đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt, khi các nhà sản xuất báo tình trạng nguyên liệu sản xuất khan hiếm, khả năng cung ứng giảm, nên công ty phải chọn giải pháp thay thế khẩu trang y tế bằng khẩu trang vải kháng khuẩn để cung ứng cho người dân trên địa bàn”.

Người tiêu dùng chọn mua khẩu trang vải kháng khuẫn tại Siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng chọn mua khẩu trang vải kháng khuẫn tại Siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả trên thế giới và trong nước, nhu cầu về khẩu trang y tế phục vụ phòng chống dịch của ngành Y tế tăng cao. Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã kêu gọi người dân sử dụng khẩu trang vải, nhường khẩu trang y tế cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trong bệnh viện, bởi sự an toàn của nhân viên y tế sẽ giúp bảo đảm cho sự an toàn của cộng đồng.

Ở tỉnh ta, trong cuộc họp trực tuyến cấp tỉnh về phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La cũng đề cập đến tình trạng thiếu hụt khẩu trang y tế cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế chống dịch ở tuyến đầu, đồng thời đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân lựa chọn sử dụng khẩu trang vải hoặc khẩu trang vải kháng khuẩn thay thế, ưu tiên khẩu trang y tế cho ngành Y tế. Trước lời kêu gọi này, đông đảo người dân trên địa bàn đã chọn lựa loại sản phẩm thay thế, nhờ vậy “cơn sốt” khẩu trang y tế đã tạm lắng.

Khẩu trang vải kháng khuẩn lên ngôi

Khi người tiêu dùng quay sang lựa chọn các sản phẩm thay thế khẩu trang y tế, thị trường khẩu trang vải lập tức sôi động, trong đó các mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn được rất nhiều người quan tâm, bởi tính năng kháng khuẩn. Hiện tại, từ các nhà thuốc, quầy thuốc đến cửa hàng, chợ, siêu thị, thậm chí trên các trang mạng đều có bán khẩu trang vải kháng khuẩn với đủ các chủng loại, đủ các giá cả.

Mở máy tính, dạo một vòng quanh các trang bán hàng như Shopee, Lazada, hay các hội nhóm bán hàng trên Facebook, Zalo, người tiêu dùng đều dễ dàng tìm thấy đủ mọi loại khẩu trang đang được rao bán. Cùng là khẩu trang vải kháng khuẩn nhưng mỗi shop giới thiệu một loại vải khác nhau, từ vải dệt kháng khuẩn do Viện Nghiên cứu dệt may chuyển giao công nghệ đến những chất liệu khác như vải 3D Hàn Quốc, vải Su, vải gió, vải phủ nano bạc, vải kháng giọt bắn, vải kháng bụi kháng khuẩn… và mức giá cũng tăng tiến theo mức độ kháng khuẩn trong quảng cáo, từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/hộp. Còn ra các quầy thuốc, nhà thuốc khẩu trang vải kháng khuẩn 2 lớp, 3 lớp cũng đủ các chủng loại và bán với mức giá từ 12 - 57 nghìn đồng/cái. Tại hệ thống gần 800 cơ sở bán lẻ của Công ty Cổ phần Dược – Vật tư Y tế cung ứng loại khẩu trang kháng khuẩn nano bạc với mức giá 15 nghìn đồng/cái. Còn tại siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột, lại cung ứng sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn của Dệt kim Đông Xuân và Nhà Bè với giá 37 - 38 nghìn đồng/5 chiếc và giới hạn số mỗi khách hàng chỉ được mua mỗi lần 5 chiếc để tất cả khách hàng đều có khẩu trang sử dụng.

Sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn Công ty Cổ phần Dược - Vật tư y tế Đắk Lắk cung ứng ra thị trường với giá 15.000 đồng/chiếc
Sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn Công ty Cổ phần Dược - Vật tư y tế Đắk Lắk cung ứng ra thị trường với giá 15.000 đồng và 30.000 đồng/chiếc  

Có thể thấy, sự đa dạng của khẩu trang vải kháng khuẩn giúp người tiêu dùng dễ dàng mua được sản phẩm trong mùa dịch bệnh. Nhưng khi người người, nhà nhà bán khẩu trang, những câu hỏi về chất lượng, về độ tin cậy của sản phẩm này là bài toán gây đau đầu cho người tiêu dùng.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ Y, Sở Y tế: “Khẩu trang vải kháng khuẩn khác với khẩu trang vải thông thường ở chỗ có phủ một lớp nitrat bạc kháng khuẩn, nhưng dù là khẩu trang vải thông thường hay khẩu trang vải kháng khuẩn thì sau khi sử dụng buộc phải giặt sạch, phơi khô và là. Trên thực tế, tùy theo mỗi cơ sở sản xuất sẽ có chất liệu vải và phủ kháng khuẩn khác nhau nên sẽ có sự chênh lệch về giá, nhưng khi sản xuất tất cả đều phải tuân thủ theo tiêu chuẩn Bộ Y tế đã ban hành”. Ông Phan Thành Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược – Vật tư y tế Đắk Lắk cũng cho rằng: “Trước nhu cầu quá lớn của người dân, tất cả các cơ sở cùng chung tay sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Do đó,  khi sử dụng, người dân lựa chọn loại phù hợp, đảm bảo bằng cách xem kỹ hướng dẫn sử dụng, thành phần chất liệu sản xuất để làm nên một cái khẩu trang”.

Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột cho biết: "Trước sự khan hiếm của khẩu trang y tế, đơn vị đã cung ứng một số đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn lớn cho một vài bệnh viện và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn để sử dụng thay thế khẩu trang y tế". 

Kim Oanh

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.