Để tổ chức công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy của công nhân, viên chức, lao động
Với mong muốn đưa các phong trào, hoạt động hướng về cơ sở để tổ chức công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Nhân dịp Tháng Công nhân năm 2015, phóng viên Báo Dak Lak điện tử đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN TUẤN ANH, Chủ tịch Liên đoàn LĐLĐ tỉnh xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh |
* Trong tháng công nhân năm nay, LĐLĐ tỉnh sẽ triển khai các hoạt động gì để chăm lo, bảo vệ quyền lợi của công nhân, người lao động?
Với chủ đề “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì việc làm, đời sống của người lao động”, Tháng Công nhân năm 2015, LĐLĐ tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đến tất cả các công đoàn cơ sở. Trong đó, tập trung tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động, sản xuất. Tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, CNLĐ, nhất là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ xây dựng nhà "Mái ấm công đoàn". Động viên CNVCLĐ chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, xây dựng quan hệ lao động ổn định và phát triển trong doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở ở khu vực ngoài nhà nước. Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Trong chuỗi các hoạt động thiết thực đó, lần đầu tiên Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ với chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động, đến nay đã có 52 doanh nghiệp đăng ký tham gia và ngày hội văn hoá, thể thao CNVCLĐ tại Khu công nghiệp Hòa Phú.
* Để tổ chức công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy của giai cấp công nhân, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ triển khai những giải pháp nào nhằm nâng cao chất lượng hoạt động?
Các giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp đã được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xác định rõ trong chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết 4a/NQ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, cụ thể đó là:
Giải pháp về tổ chức: Một tổ chức mạnh phải mạnh về số lượng và chất lượng. Vì vậy, Ban chấp hành công đoàn các cấp phải được kiện toàn, có quy chế phân cấp rõ ràng cho từng người, trọng tâm là các vị trí, chức danh chủ chốt. Quan tâm đến công tác phát triển đoàn viên, luôn tập hợp, thu hút công nhân, người lao động vào tổ chức công đoàn, chú trọng phát triển mới gắn với củng cố, nâng cao chất lượng lực lượng đã có.
Giải pháp về tài chính: Công tác tài chính công đoàn thực hiện theo quy định của Tổng Liên đoàn và Bộ Tài chính hướng dẫn nhưng kinh phí cho hoạt động công đoàn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay. Do đó, ngoài sự nỗ lực của công đoàn như thu đúng, thu đủ, chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả thì sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, tổ chức nhà nước có thẩm quyền và công khai minh bạch tài sản là giải pháp quan trọng.
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn chú trọng việc xây dựng hệ thống văn bản, quy chế, hướng dẫn hoạt động; đào tạo, bồi dưỡng, phát huy năng lực, sở trường của cán bộ công đoàn; xây dựng, tổ chức các hoạt động phong trào thu hút công đoàn cơ sở, đoàn viên và người lao động tham gia; tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền, chuyên môn. Nhưng quan trọng vẫn là sự đồng thuận, hưởng ứng của đoàn viên, người lao động để nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trần Tuấn Anh thăm, tặng quà CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Krông Pak |
* Hiện nay, việc phát triển tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp khu vực Nhà nước đang gặp phải một số khó khăn. Vậy LĐLĐ tỉnh đã triển khai những giải pháp gì để “gỡ khó”?
Có thể nói, việc phát triển công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài những nguyên nhân cơ bản do kinh tế phục hồi chậm, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động thậm chí phải giải thể do kinh doanh không hiệu quả, số doanh nghiệp thành lập mới không nhiều hơn số đã hao hụt. Thêm vào đó, người lao động thiếu việc làm hoặc có việc làm không ổn định nên việc quan tâm đầu tiên của chủ doanh nghiệp và người lao động chưa phải là tổ chức và hoạt động công đoàn. Bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận một thực tế là có một số doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn, sử dụng nhiều lao động nhưng không “mặn mà” với việc thành lập tổ chức công đoàn, không đóng đoàn phí công đoàn nên người lao động chưa có cơ hội trở thành đoàn viên công đoàn.
Tuy nhiên, trong năm 2014, hệ thống công đoàn toàn tỉnh đã thành lập được 13 công đoàn cơ sở thuộc doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước với 935 đoàn viên. Riêng quý I năm 2015 thành lập 4 công đoàn cơ sở, kết nạp mới 522 đoàn viên ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Để “gỡ khó” cho công tác này, các cấp công đoàn trong tỉnh đã đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam phù hợp với đặc điểm tình hình và các đối tượng trên địa bàn. Tập hợp, rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể để công đoàn cấp trên cơ sở phát triển công đoàn cơ sở, đoàn viên ở các doanh nghiệp sử dụng từ 30 lao động trở lên. Gắn việc thu đoàn phí công đoàn với vận động thành lập công đoàn cơ sở. Đồng thời, phát huy vai trò của cán bộ công đoàn các cấp phải thật sự là người đồng hành tin cậy của chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
* Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc