Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2015-2020

06:09, 12/04/2015

Cuối năm 2014, Dak Lak hoàn thành công tác kiểm kê rừng theo Dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để ngành Lâm nghiệp lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng cho từng giai đoạn. Phóng viên Báo Dak Lak đã phỏng vấn ông Y SY H’DƠK, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm để làm rõ về vấn đề này.

°Xin ông khái quát  về kết quả công tác quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2011-2014

- Lâm nghiệp được xác định là một trong những ngành kinh tế chiến lược của tỉnh. Trong những năm qua chính quyền địa phương các cấp quan tâm triển khai hiệu quả nhiều chính sách vừa nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng vừa nâng cao đời sống cho người dân. Trong đó, đã giao rừng gắn với đất cho các ban quản lý rừng đặc dụng là 227.881,2 ha/567.836,5 ha; cho 14 doanh nghiệp thuê rừng với tổng diện tích 8.200 ha. Song song đó là triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án góp phần nâng cao đóng góp giá trị hoạt động của ngành cho kinh tế - xã hội, cũng như bảo vệ môi trường của địa phương, góp phần cải thiện sinh kế người dân sống gần rừng như: Đề án định giá rừng; Đề án giao rừng, cho thuê rừng; Đề án nâng cao năng lực kiểm lâm địa bàn… Để quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, từ năm 2011-2014, ngành kiểm lâm đã tăng cường nhiều biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm: thành lập các đoàn kiểm tra, mở các đợt truy quét lâm tặc, điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; điều tra, thống kê, phân loại các đối tượng “đầu nậu” để có biện pháp theo dõi, ngăn chặn và xử lý. Từ năm 2011- 2014, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 9.543 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu trên 17.346 m3 gỗ các loại; tịch thu 5.207 phương tiện; tiền thu sau xử lý trên 123,8 tỷ đồng.

°Hiện trạng rừng của Dak Lak sau kiểm kê rừng năm 2014 như thế nào thưa ông?

Sau kiểm kê, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh là trên 1,3 triệu héc-ta, trong đó diện tích có rừng 528.147 ha (rừng tự nhiên 475.908,8 ha, rừng trồng 52.238,1 ha), diện tích đất không có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 159.372 ha. So với diện tích quy hoạch 3 loại rừng công bố năm 2007, diện tích rừng sau kiểm kê có nhiều biến động, trong khi diện tích rừng tự nhiên giảm khoảng 86.239 ha thì diện tích rừng trồng lại tăng 33.983 ha. Nguyên nhân rừng tự nhiên giảm chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và dân di cư tự do lấn chiếm, phá rừng để làm nương rẫy (40.083,2 ha); rừng tự nhiên nghèo kiệt chuyển sang rừng trồng, cây cao su và cây đặc sản (33.983,2 ha); giảm do sai số thống kê giữa các lần kiểm kê rà soát (12.173,7 ha).

°Theo ông, đâu là những hạn chế cần khắc phục trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trong những năm qua?

- Tồn tại lớn nhất có thể thấy được qua kết quả kiểm kê rừng cho thấy đó là tài nguyên rừng tiếp tục bị xâm hại do các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép là khá lớn; việc tổ chức quản lý, sử dụng, kinh doanh rừng kém hiệu quả, tổ chức kinh doanh rừng sản xuất còn bị ràng buộc bởi cơ chế xin – cho dẫn đến hiệu quả thấp; công tác phát triển rừng nhiều năm chưa đạt kế hoạch, chất lượng rừng trồng chưa cao. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực, thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, công nghệ chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh còn lạc hậu, chủ yếu là chế biến thô chưa đáp ứng nhu cầu người dân nên thiếu tính cạnh tranh và giá trị kinh tế mang lại không đáng kể…

° Vậy đâu là giải pháp để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả trong giai đoạn 2015-2020?

- Ngành lâm nghiệp của tỉnh đang xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trong đó tập trung phát triển và nâng cao chất lượng rừng sản xuất thông qua nuôi dưỡng làm giàu rừng, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt. Cùng với hướng tái cơ cấu các loại rừng, cơ cấu sản xuất, chế biến là xem xét, điều chỉnh cơ cấu các loại hình tổ chức quản lý rừng, thúc đẩy các loại hình tổ chức quản lý bảo vệ rừng phát triển theo hướng bền vững, chuyển đổi 15 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng: 8 đơn vị chuyển đổi sang công ty TNHH 2 thành viên, cổ phần hóa 2 đơn vị, 3 đơn vị chuyển thành ban quản lý rừng, 2 đơn vị được giữ nguyên hình thức hoạt động theo mô hình quản lý bền vững. Tiếp tục thống kê, rà soát diện tích rừng bị phá, lấn chiếm để thực hiện các biện pháp cưỡng chế, kiên quyết thu hồi diện tích này theo đúng tinh thần của Chỉ thị 1685 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức kiểm soát chặt chẽ các dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm nếu có; chấn chỉnh và nâng cao vai trò của lực lượng kiểm lâm, nhất là đối với lực lượng kiểm lâm địa bàn để góp phần giữ rừng hiệu quả. Đối với diện tích rừng hiện đang giao cho UBND cấp xã quản lý, cần có kế hoạch giao cho hộ gia đình thực sự có năng lực, nhu cầu quản lý, bảo vệ; cho thuê đối với rừng sản xuất để trồng rừng…

°Xin cảm ơn ông!

Lê Hương (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc