Multimedia Đọc Báo in

Ngành Giáo dục thành phố Buôn Ma Thuột chọn người thực tài vào ghế lãnh đạo

17:33, 21/05/2015

Việc Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột tổ chức kỳ thi tuyển chức danh hiệu trưởng 2 trường tiểu học Võ Thị Sáu và Phan Chu Trinh (nhiệm kỳ 2015-2020) đang thu hút sự quan tâm trong dư luận xã hội. Đây được xem là bước đột phá nhằm chọn người thực tài vào ghế lãnh đạo, phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Phóng viên Báo Dak Lak đã có trao đổi nhanh với bà Trương Thị Minh Nguyệt, Trưởng Phòng Giáo dục TP xung quanh kỳ thi này.

    +Bà có thể cho biết rõ hơn mục đích của kỳ thi tuyển chức danh hiệu trưởng lần này?
 
Ý tưởng tổ chức một kỳ thi công khai đã được Phòng GD-ĐT TP ấp ủ từ lâu nhằm tuyển chọn những cán bộ quản lý thực sự có năng lực, có tâm, có tầm lãnh đạo các trường tiểu học trên địa bàn TP, đặc biệt là những trường trọng điểm. Sau khi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, TP. Buôn Ma Thuột quyết định chọn cách làm của TP. Đà Nẵng. Việc bổ nhiệm lãnh đạo theo cách thi tuyển công khai sẽ giúp những người có năng lực, tâm huyết với nghề có cơ hội phát huy khả năng, thể hiện năng lực qua các phần thi: bảo vệ đề án và lý thuyết.  
 
    + Vậy, nhận thức của cá nhân bà về kỳ thi tuyển công khai chức danh hiệu trưởng này như thế nào?
 
Đất nước đang triển khai thực hiện đẩy mạnh công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Theo tôi, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhất thiết phải bắt đầu từ đổi mới công tác quản lý. Đội ngũ cán bộ quản lý ví như “đầu tàu”, nếu không đổi mới thì khó thực hiện các nhiệm vụ liên quan như: đổi mới cách dạy, cách học và cách quản lý... Với nhận thức trên, Phòng GD-ĐT TP đã xây dựng kế hoạch, xin ý kiến cấp trên, ngành chức năng tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo đối với một số trường tiểu học để lựa chọn đội ngũ quản lý có tài, có tâm. Việc thi tuyển này gặp không ít khó khăn, thậm chí còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện bởi việc bổ nhiệm cán bộ quản lý thông qua thi tuyển công khai là giải pháp cốt lõi để thực hiện tốt sự nghiệp đổi mới giáo dục mà Đảng và Nhà nước đang quyết tâm thực hiện. Việc thi tuyển minh bạch, công khai góp phần loại bỏ nạn “chạy chức chạy quyền” trong công tác bổ nhiệm, đề bạt lâu nay mà dư luận lên án.
6 ứng viên tham dự kỳ thi
6 ứng viên tham dự kỳ thi
 
  +Theo bà ưu điểm lớn nhất của kỳ thi này là gì, TP có nhân rộng cách làm này đối với các trường tiểu học còn lại cũng như các bậc học khác trong thời gian tới?
 
Theo đánh giá của cá nhân tôi, 6 ứng cử viên tham gia kỳ thi tuyển chức danh hiệu trưởng lần này là những cán bộ có bản lĩnh, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Đó là một trong những tiêu chí để lựa chọn cán bộ quản lý giáo dục hiện nay. Ngoài bản lĩnh, những ứng viên này còn có những năng lực cần thiết khác đã thể hiện rõ trong Đề án xây dựng, phát triển trường giai đoạn 2015-2019 mà mình dự tuyển, rồi trên bài thi về lý thuyết (gồm 2 phần: hiểu biết về Luật Công chức viên chức giáo dục và năng lực quản lý). Cụ thể, các ứng viên tập trung trình bày và bảo vệ trước hội đồng thi tuyển các nội dung quản lý và phát triển nhà trường, đánh giá được thực trạng nơi vị trí ứng tuyển và định hướng phát triển nhà trường trong 5 năm tới. Ở phần thi lý thuyết, ngoài trình bày hiểu biết về Luật Công chức - Viên chức…, thí sinh còn phải thể hiện lĩnh vực chuyên môn, năng lực quản lý. Việc thi tuyển công khai tạo ra tính cạnh tranh, công bằng, giúp các thầy cô giáo tự tin trải nghiệm, cống hiến. Rõ ràng cả 6 ứng cử viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả các phần thi, đây chính là dịp để mỗi người nâng cao kiến thức chuyên môn, thực hiện tốt hơn công tác quản lý giáo dục. Trong kỳ thi tuyển lần này, không ít ứng viên là cán bộ quản lý trẻ, ít có bề dày thành tích nhưng bù lại có khát vọng, năng động và đặc biệt là năng lực chuyên môn, quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong tình hình hiện nay.
 
Còn về việc có triển khai đại trà cách làm này hay không thì tại thời điểm này chưa thể trả lời. Nhưng tôi nghĩ rằng, đã xác định đổi mới “căn bản” và “toàn diện” tức đồng nghĩa với việc thực hiện một cuộc cải cách giáo dục trên tất cả các phương diện. Vậy tại sao chúng ta không mạnh dạn đổi mới từ công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thay vì vẫn làm như cách cũ lâu nay để có thể tuyển chọn được những cán bộ quản lý thực sự có năng lực, tâm huyết với nghề.
 
    +Xin cảm ơn bà!
 
Nguyên Hoa (thực hiện) 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.