Multimedia Đọc Báo in

Hành trình đỏ hướng mọi người đến với những việc làm thiện nguyện

16:07, 18/07/2016

Hành trình đỏ năm 2016 vừa dừng chân tại Đắk Lắk với nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc biệt thu hút hơn 1.600 người đăng ký tham gia hiến máu. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Lê Lâm, Viện phó Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Phó Ban tổ chức Hành trình đỏ .

* Từ khi phát động (năm 2013) đến nay, Hành trình đỏ với “sứ mệnh” vận động hiến máu tình nguyện xuyên Việt đã và đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ông có thể chia sẻ đôi điều về Hành trình này?

Phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) của nước ta đã trải qua hơn 20 năm cùng với sự phát triển mạnh và bền vững nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu máu cho điều trị. Vì thế, việc nhân rộng và phát triển phong trào rất cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của người dân về HMTN. Hơn nữa, nước ta có 2 thời điểm khan hiếm máu nghiêm trọng đó là dịp hè và sau Tết Nguyên đán. Để giải quyết các vấn đề này, Hành trình đỏ (HTĐ) đã ra đời. HTĐ là Chiến dịch nhân đạo cấp Quốc gia do Ban chỉ đạo quốc gia vận động HMTN chỉ đạo với sự bảo trợ của các cơ quan bộ, ngành Trung ương. Với “sứ mệnh” là hành trình vận động hiến máu tình nguyện xuyên Việt, HTĐ hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về hiến máu cứu người; vận động người dân các tỉnh, thành mà hành trình đi qua đăng ký hiến máu, góp phần điều phối máu giữa các địa phương, khắc phục tình trạng thiếu máu cho cấp cứu và điều trị vào các thời gian cao điểm. Qua 3 năm thực hiện, nhiều tỉnh, thành – những nơi HTĐ đi qua đã cải thiện đáng kể tình trạng khan hiếm máu vào dịp hè, mức độ hưởng ứng của người dân và số lượng máu tiếp nhận được cũng khả quan hơn năm trước. 

Ông Lê Lâm thăm hỏi người dân khi tham gia hiến máu tình nguyện
Thạc sĩ Lê Lâm tư vấn cho người dân về lợi ích sức khỏe khi tham gia hiến máu tình nguyện.

* Các hoạt động chính của Hành trình đỏ năm 2016 diễn ra tại Đắk Lắk là gì, thưa ông?

Tại Đắk Lắk, HTĐ dừng chân tại huyện Krông Pắc trong 2 ngày 17 và 18-7-2016 với nhiều hoạt động thiết thực: tuyên truyền về HMTN; cách phòng căn bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh); tập dượt buổi hiến máu lớn cho các tỉnh dự phòng trong các trường hợp khẩn cấp cần lượng máu lớn; tổ chức Ngày hội hiến máu “Giọt hồng Tây Nguyên” 2016 nhằm khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, hướng mọi người đến những việc làm thiện nguyện, luôn sẵn sàng chia sẻ giọt máu cứu người, khắc phục tình trạng khan hiếm máu trong dịp hè.

* Để các hoạt động tạo được sức hút với người dân địa phương và thực sự đạt được hiệu quả đề ra, phía đoàn Hành trình đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Để có thể khởi động chương trình HTĐ vào đầu tháng 7, mọi công tác chuẩn bị của Đoàn đã thực hiện từ rất sớm. Ngay sau khi kết thúc HTĐ mỗi năm, Ban tổ chức đã lập kế hoạch cho năm kế tiếp cùng với việc rút kinh nghiệm của chương trình vừa thực hiện để hoàn thiện hơn cho năm sau. Đồng thời, đề xuất với Ban chỉ đạo để chỉ đạo các địa phương chuẩn bị kế hoạch của năm kế tiếp; kêu gọi các nhà tài trợ lớn như Ngân hàng BIDV, Công ty CP Việt Nam, Bảo hiểm Bảo Minh… hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Đoàn HTĐ. Cùng với đó, việc tuyển chọn đội tình nguyện viên diễn ra hết sức nghiêm ngặt thông qua phỏng vấn trực tiếp và các hoạt động trải nghiệm thực tế. Sau khi được tuyển chọn, các tình nguyện viên được tham gia các khóa huấn luyện trước khi hành trình xuyên Việt bắt đầu. Nhờ vậy, hoạt động của các tình nguyện viên mang lại hiệu quả cao, góp phần đáng kể nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng trọng của HMTN.

Đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Krông Pắc tham gia hiến máu trong Ngày hội
Đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Krông Pắc tham gia Ngày hội hiến máu "Giọt hồng Tây Nguyên"

* Được biết, Ngày hội hiến máu “Giọt hồng Tây Nguyên” năm nay là 1 trong 27 ngày hội hiến máu lớn của Hành trình đỏ năm 2016. Vậy, theo ông Hành trình đỏ có tác động như thế nào đến phong trào HMTN ở địa phương?

Tại Đắk Lắk nói riêng cũng như các tỉnh trong cả nước nói chung, tính hiệu quả và kịp thời của hoạt động HTĐ đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về HMTN, để mỗi người dân luôn có ý thức sẵn sàng hiến máu. Ở nhiều địa phương, sau khi HTĐ rời đi vẫn tiếp tục hưởng ứng các hoạt động của HTĐ, đặc biệt là phong trào HMTN. Điều này không chỉ khắc phục hiệu quả tình trạng khan hiếm máu dịp hè, mà còn giúp cho phong trào HMTN của địa phương phát triển mạnh mẽ. 

*Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Oanh – Nguyễn Xuân (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.