Multimedia Đọc Báo in

Bệnh tay chân miệng có nguy cơ lan rộng nếu người dân chủ quan

08:38, 22/10/2018
Những ngày này, bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp với số mắc tăng cao đột biến và xuất hiện nhiều ca bệnh nặng do vi rút EV71. Hiện ngành Y tế đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống nhằm khống chế không để bệnh lây lan rộng. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ PHẠM VĂN LÀO, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xoay quanh nội dung này.
Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

°Bác sĩ có thể đánh giá khái quát về diễn biến của bệnh TCM trên địa bàn tỉnh?

Tính đến ngày 15-10, toàn tỉnh ghi nhận 659 trường hợp mắc bệnh TCM,  tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Bông, Ea H’leo, Cư Kuin. So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc giảm 65% và không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, số trẻ mắc TCM tăng đột biến với khoảng 200 ca bệnh. Nguyên nhân của sự gia tăng này là do bệnh đang ở thời điểm đỉnh dịch (theo quy luật bệnh TCM có 2 đỉnh dịch trong năm, rơi vào các thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 11). Đồng thời, hiện đang là thời điểm trẻ mới nhập học, thường xuyên tiếp xúc với nhau nên dễ lây bệnh.

Đáng lưu ý là hầu hết các ca bệnh TCM nặng đều được xác định có liên quan đến chủng vi rút EV71 là chủng vi rút có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, co giật, và gây ra nhiều biến chứng nặng: tổn thương các dây thần kinh, viêm não màng não, suy tim cấp, viêm cơ tim cấp, viêm phổi, viêm tủy sống… dễ dẫn đến tình trạng sốc nặng và tử vong. 

°Vậy phía ngành Y tế đã có những động thái tích cực nào để ứng phó với sự gia tăng đột biến của bệnh TCM nói trên, thưa bác sĩ?

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2018, trong đó có bệnh TCM với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; khống chế kịp thời không để xảy ra dịch lớn và triển khai cho các địa phương thực hiện, trong đó có các kịch bản cho từng giai đoạn, từng tình huống đặt ra. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đã tập huấn, hướng dẫn cách xử lý môi trường, chẩn đoán, điều trị, giám sát bệnh TCM cho toàn bộ cán bộ làm công tác chuyên môn; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh; thành lập tổ cơ động phòng chống dịch để sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cho các địa phương khi có dịch bệnh xảy ra. Về công tác điều trị bệnh TCM, Đắk Lắk được xem là một trong những tỉnh có kinh nghiệm, bởi hiện nay, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã thiết lập được hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện lớn của TP. Hồ Chí Minh khi xuất hiện trường hợp bệnh nhân nặng.

Trẻ mắc bệnh TCM điều trị tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Trẻ mắc bệnh TCM điều trị tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Đối với công tác phối hợp liên ngành, chúng tôi đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tiến hành kế hoạch vệ sinh phòng bệnh cho trẻ em, đặc biệt là phòng bệnh TCM ở mùa tựu trường; đưa cán bộ y tế đến kiểm tra các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn, giúp các trường làm công tác vệ sinh phòng dịch, hướng dẫn các thầy cô giáo cách phát hiện bệnh TCM, cách ly trẻ bị bệnh, thực hiện cho trẻ rửa tay sạch với xà phòng. Phải nói rằng, đội ngũ giáo viên ở các trường hiện nay rất quan tâm, chú ý đến công tác phòng chống bệnh TCM. Nhờ vậy, so với các nơi, hiện nay tỉnh ta không bị hiện tượng học sinh trong trường học mắc bệnh tạo thành ổ dịch lớn và không còn tình trạng trẻ mắc bệnh ở trường mang về nhà; 100% học sinh đều rửa tay rất tốt bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các bà mẹ chăm sóc trẻ ở nhà để tránh hiện tượng bệnh lây lan trong cộng đồng dân cư.

°Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc phòng chống bệnh TCM cho trẻ em?

Vấn đề đặt ra hiện nay là mặc dù bệnh TCM ở tỉnh ta không bùng phát mạnh như các tỉnh lân cận nhưng vẫn có nguy cơ cao nếu chúng ta chủ quan, nhất là khi tỷ lệ mắc TCM do vi rút EV71 đang ở mức cao (chiếm khoảng 30% tổng số mắc). Hơn nữa, bệnh TCM lây do vi rút, không có thuốc phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh lây từ người sang người qua nước bọt, dịch tiết và phân. Trong khi đó công tác vệ sinh môi trường tại một số địa bàn, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế (phóng uế bừa bãi, nhà tiêu không hợp vệ sinh, không duy trì thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh); đôi khi bố mẹ, người chăm sóc trẻ mang mầm bệnh. Vì thế, để phòng chống bệnh TCM lây lan rộng trên địa bàn, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; ăn sạch, ở sạch, cho trẻ chơi đồ chơi sạch; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tắm cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn. Đồng thời, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, phân loại và điều trị.

°Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.