Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk cần cụ thể hóa các chính sách về chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn

07:29, 08/11/2018

Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản (NLTS) an toàn được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng và xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Để có cái nhìn toàn diện hơn về chuỗi cung ứng thực phẩm NLTS an toàn trên địa bàn Đắk Lắk, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN NHƯ TIỆP, Cục Trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản về vấn đề này.

°Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện chuỗi cung ứng thực phẩm NTTS an toàn trên địa bàn Đắk Lắk thời gian qua?

Tôi đánh giá rất cao về Quyết định số 2667/QĐ-UBND, ngày 26-9-2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm NLTS an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025 theo đề án của Trung ương nhằm thực hiện chiến lược vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần cung ứng một nguồn thực phẩm có chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được Bộ NN-PTNT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị bền vững. Qua đó thúc đẩy liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nhằm tạo mối liên kết bền vững để người sản xuất có kênh tiêu thụ thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng được mùa mất giá và ngược lại. Đồng thời, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ công đoạn sản xuất, chế biến, phân phối, tiến tới sản xuất bền vững.

Đắk Lắk đã hỗ trợ và chứng nhận cho hơn 20 cơ sở đạt chứng nhận VietGAP và sắp tới có thêm nhiều cơ sở khác để hình thành nhiều chuỗi sản xuất NLTS an toàn. Với lợi thế phát triển các sản phẩm chủ lực như cà phê, tiêu, cao su và những bước đi phù hợp hy vọng Đắk Lắk sẽ trở thành tỉnh đầu tàu của khu vực Tây Nguyên trong việc áp dụng khoa học công nghệ, tổ chức các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp tỉnh.

°Xin ông cho biết các chính sách về chuỗi cung ứng thực phẩm NLTS an toàn? Đắk Lắk cần làm gì trong thời gian tới để thực hiện thành công chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, thưa ông?

Gần đây Chính phủ đã ban hành và sửa đổi nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ cho chuỗi NLTS an toàn. Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17-4-2018 thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19-12-2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn liên kết với người sản xuất, hợp tác xã, kênh phân phối nhằm tạo động lực, đầu tàu trong phát triển chuỗi. Đồng thời Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5-7-2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây là những gói chính sách rất đầy đủ và chi tiết, phù hợp với thực tiễn để hỗ trợ cho các tỉnh phát triển các chuỗi.

Nhóm chính sách chung khá toàn diện và tỉnh cũng đã ban hành được kế hoạch, có nhiều nhóm giải pháp để đẩy mạnh chuỗi cung ứng NLTS an toàn song so với nhu cầu và mục tiêu đề ra thì tỉnh cần tăng tốc hơn nữa. Trước mắt, trên cơ sở chính sách chung của Quốc gia, tỉnh cần cụ thể hóa thành chính sách riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Đắk Lắk liên kết với người dân, hợp tác xã, kênh phân phối tạo thành các chuỗi với quy mô, sản lượng ngày càng lớn hơn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đồng thời việc phát triển mạnh các chuỗi cũng góp phần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tiến tới phát triển nông nghiệp bền vững. Từ chuỗi cung ứng NLTS sẽ phát triển lên chuỗi giá trị cung ứng NLTS an toàn, bảo đảm chất lượng cao, sự phát triển bền vững, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.

°Hiện nay, khó khăn nhất của mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm NLTS an toàn vẫn là "đầu ra" cho sản phẩm. Vậy theo ông đâu là giải pháp nào để tháo gỡ “nút thắt” này?

Về vấn đề "đầu ra", trong chính sách phát triển chuỗi đã có những giải pháp toàn diện hỗ trợ cho người sản xuất, sơ chế, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Với bối cảnh sản xuất NLTS của Việt Nam còn nhỏ lẻ, manh mún nên ý nghĩa của việc thiết lập các chuỗi càng lớn. Trước hết là liên kết ngang, tức là các hộ nhỏ lẻ phải liên kết với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã rồi gắn kết với doanh nghiệp đầu tàu, doanh nghiệp hạt nhân để họ đầu tư vào quá trình sơ chế, chế biến và phân phối thì chuỗi mới lớn và bền vững. Vì vậy, để khắc phục khâu còn yếu của ngành Nông nghiệp tỉnh, UBND tỉnh cần có chính sách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào sơ chế, chế biến, phân phối sản phẩm. Về phía người nông dân cần mạnh dạn liên kết với nhau và liên kết với các doanh nghiệp, các kênh phân phối hiện đại như cửa hàng tiện ích, siêu thị để sản phẩm của mình được tiêu thụ dễ dàng hơn và nâng cao giá trị gia tăng.

°Xin cảm ơn ông!

Minh Thuận - Nguyễn Xuân (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.