Multimedia Đọc Báo in

Quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp

07:32, 12/01/2019

Thời gian qua, nhiều người lao động sau khi bị mất việc hoặc xin thôi việc nhưng không biết quyền lợi của mình như thế nào. Trong chương trình Dân hỏi -Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời kỳ này, ông TRƯƠNG VĂN SÁNG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh đã trả lời một số nội dung bạn đọc quan tâm liên quan đến quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp.

°Thưa ông, một bạn đọc hỏi: Tôi làm việc ở công ty được ba năm, được tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng tháng 6-2015 tôi nghỉ việc và được chốt sổ bảo hiểm, bây giờ tôi muốn về quê hưởng trợ cấp thất nghiệp có được không và mức hưởng là bao nhiêu?

Theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp một bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp theo khoản 1 điều 50 của Luật Việc làm số 38/2013/QH13, ngày 16-11-2013 quy định. Theo quy định trên, bạn nghỉ việc và chốt sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 6-2015 là quá thời hạn quy định.

°Thưa ông, một lao động sinh năm 1962, tham gia BHXH bắt buộc được 14 năm, đã nghỉ thôi việc từ 1-6-2017 hỏi: thời điểm nào thì được đóng tiền BHXH tự nguyện một lần 6 năm cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu?

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH và các văn bản hướng dẫn thi hành thì đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng 1 lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Vậy trường hợp của bạn, nếu là lao động nam, sinh năm 1962 (hiện nay bạn 56 tuổi) chưa đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu. Vậy thời điểm để bạn đóng BHXH tự nguyện một lần cho 6 năm còn thiếu là năm 2022 vì lúc đó bạn đủ 60 tuổi (với điều kiện là tuổi về hưu không thay đổi nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi). Còn lao động là nữ, sinh năm 1962 (hiện nay bạn 56 tuổi) đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu.

Do đó bạn liên hệ cơ quan BHXH nơi bạn đang sinh sống để được hướng dẫn, tư vấn lựa chọn mức đóng và thủ tục hồ sơ đăng ký đóng BHXH tự nguyện một lần cho 6 năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

°Một công dân khác gửi đến câu hỏi như sau: Tôi tên Trần Văn A làm việc tại một công ty trên địa bàn tỉnh và có đóng BHXH. Tháng 2-2017 tôi xin nghỉ việc và được công ty chấp nhận. Tuy nhiên tôi không được chốt sổ BHXH lý do công ty đang nợ tiền BHXH. Đến tháng 7-2017 tôi mới nhận được sổ BHXH. Vậy trong thời gian từ tháng 2-2017 đến tháng 6-2017 tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không và tôi xin truy đóng BHXH tự nguyện thời gian từ tháng 2-2017 đến tháng 6-2017 có được không? Xin ông giải đáp cho công dân.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm số 38/2013/QH13: Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn, giải quyết chế độ bảo hiểm cho người dân.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn, giải quyết chế độ bảo hiểm cho người dân.

Trường hợp của ông A tháng 2-2017 nghỉ việc nhưng không xác nhận được sổ BHXH do đơn vị nợ tiền BHXH và đến tháng 7-2017 mới nhận được sổ BHXH (sau 5 tháng) thì đã quá thời hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, do đó ông không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đã đóng BHXH thất nghiệp của ông sẽ được bảo lưu để cộng vào thời gian tham gia BH thất nghiệp ở đơn vị mới sau này.

Về việc ông xin truy đóng BHXH tự nguyện cho thời gian từ tháng 2-2017 đến tháng 6-2017, cơ quan BHXH trả lời như sau: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, ngày 29-12 -2015 quy định: Người tham gia BHXH tự nguyện nếu quá thời điểm đóng BHXH trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng, trong 3 tháng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần, trong 4 tháng đầu đối với phương thức đóng 6 tháng một lần, trong 7 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần mà người tham gia không đóng BHXH tự nguyện thì được coi là tạm dừng đóng BHXH tự nguyện. Người đang tạm dừng đóng BHXH tự nguyện nếu tiếp tục đóng thì phải đăng ký lại phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH với cơ quan BHXH. Trường hợp có nguyện vọng đóng bù cho số tháng chậm đóng trước đó thì sẽ được cơ quan BHXH giải quyết cho đóng bù phương thức đã chọn đóng trước đó.

Do đó việc ông xin truy đóng BHXH tự nguyện thời gian từ tháng 2-2017 đến tháng 6-2017 là không đúng quy định vì BHXH tự nguyện không có quy định cho truy đóng và ông cũng không thuộc đối tượng đóng bù cho phương thức đã đăng ký trước đó vì ông trước đó chưa tham gia BHXH tự nguyện.

°Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyên Hoa (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.