Multimedia Đọc Báo in

Cần đẩy mạnh truyền thông thanh toán không dùng tiền mặt

08:47, 16/06/2019

Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những mục tiêu lớn đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) định hướng từ nhiều năm qua. Mới đây, NHNN đã thống nhất chọn ngày 16-6 là "Ngày không tiền mặt"; nhân dịp này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông LÊ VĂN LƯƠNG - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Đắk Lắk.

°Thưa ông, vừa qua NHNN đã chọn ngày 16-6 hằng năm là Ngày không tiền mặt. Vậy xin ông cho biết ý nghĩa của Ngày không tiền mặt?

"Ngày không tiền mặt" do Báo Tuổi trẻ đề xuất và được NHNN thống nhất chọn ngày 16-6. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có Ngày không tiền mặt, và sở dĩ chọn ngày 16-6 là bởi tháng 6 sẽ là thời điểm bắt đầu vào mùa du lịch, mua sắm giữa năm, có nhiều dịch vụ đáp ứng việc thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng. Việc có "Ngày không tiền mặt" như một cột mốc để tạo điều kiện cho hàng loạt sự kiện xoay quanh đó, không chỉ trong năm nay mà cả những năm về sau. Đây được xem như là một trong những hoạt động thiết thực, nhằm khuyến khích người tiêu dùng trải nghiệm và sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm, giao dịch, thanh toán, thúc đẩy quá trình thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo thực hiện tốt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 tại Việt Nam của Chính phủ.

°Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Đắk Lắk hiện nay?

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Đắk Lắk đã có rất nhiều nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment); giải pháp chấp nhận thanh (POS)… Các ngân hàng cũng đã tích hợp thêm nhiều tính năng, tiện ích vào thẻ ngân hàng để sử dụng cho chi trả hàng hóa, dịch vụ tại điểm bán, thanh toán hóa đơn tiện ích, thanh toán mua hàng trực tuyến…

Tính đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã trang bị 262 máy ATM, 1.041 điểm đặt máy chấp nhận thẻ (POS), phát hành trên 1 triệu thẻ ATM và đang được khách hàng sử dụng với nhiều tiện ích, đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng. Cùng với hệ thống ngân hàng, nhiều tổ chức, doanh nghiệp viễn thông cũng được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian như VNPTPay, ViettelPay... đáp ứng nhu cầu nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, Internet, các khoản vay tài chính, vay trả góp, vay tiêu dùng, mua vé máy bay... của khách hàng.

Khách hàng thanh toán hóa đơn bằng thẻ tín dụng tại một cửa hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Khách hàng thanh toán hóa đơn bằng thẻ tín dụng tại một cửa hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

°Để việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Đắk Lắk phát triển, theo ông cần có những giải pháp gì?

Như tôi đã nói ở trên, việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Đắk Lắk đã có những nền tảng vững chắc nhờ sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian. Để việc thanh toán không dùng tiền mặt phát triển trong thời gian tới, vấn đề cốt lõi hiện nay là làm thế nào để thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Muốn vậy, công tác tuyên truyền phải được thực hiện nghiêm túc đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đến các đối tượng vùng sâu vùng xa. Thông qua việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội để qua đó tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về tài chính của người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Hệ thống ngân hàng bên cạnh việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạn tầng, mở rộng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhằm thay đổi dần tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng…

°Xin cảm ơn ông!

Giang Nam (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.