Multimedia Đọc Báo in

Tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng

08:17, 15/06/2019

Là một trong những đơn vị nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ lớn của vùng Tây Nguyên, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (NLNTN) đã và đang góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN VINH, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học kỹ thuật NLNTN trong Chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”.

°Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong việc nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ của Viện Khoa học kỹ thuật NLNTN trong thời gian qua?

- Chỉ trong 5 năm gần đây, Viện Khoa học kỹ thuật NLNTN đã thực hiện được 8 đề tài/dự án cấp Nhà nước, 13 đề tài cấp bộ, 19 đề tài cấp tỉnh. Các đề tài, dự án tập trung nghiên cứu phục vụ phát triển nông lâm nghiệp vùng Tây Nguyên, trong đó chú trọng đến các cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, bơ, sầu riêng, điều...

Cụ thể, Viện đã nghiên cứu chọn lọc được 10 giống cà phê vối được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức. Các giống cà phê này có năng suất từ 5 - 7 tấn nhân/ha, cỡ hạt lớn, kháng cao với bệnh gỉ sắt, đang được trồng mới và trồng tái canh cà phê ở Tây Nguyên; bình tuyển trên 200 cây điều đầu dòng ưu tú cho năng suất từ 30 - 60 kg hạt/cây, kích thước hạt lớn và có tỷ lệ nhân từ 27,5 - 29,5 %; xác định được giống sầu riêng Dona và Ri6 là thích hợp với vùng Tây Nguyên; chọn lọc được 15 dòng ca cao vô tính có khả năng đạt năng suất 2 tấn hạt/ha trong điều kiện không tưới nước...

Bên cạnh đó, Viện còn nghiên cứu trên 40 quy trình liên quan đến kỹ thuật canh tác cà phê, hồ tiêu, ca cao như: Quy trình công nghệ ghép cải tạo vườn cà phê vối năng suất thấp; quy trình tưới tiết kiệm và bón phân qua hệ thống tưới cho cây cà phê; nhân giống cà phê bằng phương pháp nuôi cấy mô; ứng dụng enzym trong chế biến cà phê và lên men hạt ca cao; chẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng trên cây cà phê bằng việc phân tích đất và lá...

°Với nhiệm vụ là cơ quan nghiên cứu khoa học về Nông Lâm nghiệp vùng Tây Nguyên, theo ông, Viện Khoa học kỹ thuật NLNTN có vai trò như thế nào đối với quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk?

- Với chức năng và nhiệm vụ được giao, Viện Khoa học kỹ thuật NLNTN đã tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới về nông lâm nghiệp cho các địa phương để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, trong đó cây cà phê được ưu tiên hàng đầu vì đây là cây chủ lực của Tây Nguyên cũng như của Đắk Lắk. Đặc biệt, để phục vụ cho chương trình tái canh cà phê của tỉnh, hằng năm, Viện đã sản xuất từ 10 - 20 tấn hạt giống cà phê vối lai TRS1, hàng triệu cây giống cà phê các loại. Việc ứng dụng các giống cà phê mới đã cải thiện đáng kể năng suất và chất lượng cà phê. 

     Thực hiện  tạo giống  cà phê  bằng  phương pháp nuôi cấy mô  ở Viện  Khoa học  kỹ thuật  Nông lâm nghiệp  Tây Nguyên.      Ảnh: H.Gia
Thực hiện tạo giống cà phê bằng phương pháp nuôi cấy mô ở Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Ảnh: H.Gia

Mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê với mật độ thích hợp và chăm sóc đúng kỹ thuật không những đáp ứng được yêu cầu che bóng của cây cà phê mà còn tăng thêm thu nhập cho người nông dân từ 50 - 300% so với trồng thuần. Các mô hình ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi cũng đem lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt đối với vườn cà phê năng suất thấp, giống xấu, tuổi đời khoảng 20 năm tuổi thì tỷ lệ ghép thành công trên 80%, năng suất của các vườn ghép cải tạo tăng từ 39,7 - 54,4% so với vườn không ghép. Ngoài ra, công nghệ tưới nước tiết kiệm cho cà phê do Viện nghiên cứu đã giảm được 20% lượng nước tưới, 20% lượng phân bón và 30% công lao động, góp phần tăng hiệu quả kinh tế và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

 °Ông có nhận định thế nào về xu hướng phát triển của nền nông nghiệp Đắk Lắk trong thời gian tới? Và Viện Khoa học kỹ thuật NLNTN có định hướng gì trong công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để phù hợp với xu hướng phát triển này?

Hiện nay, phát triển nông nghiệp ở Đắk Lắk vẫn chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng sản phẩm nên giá trị xuất khẩu không cao. Vì vậy, tích tụ đất đai theo hướng liên kết và tập trung sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa; áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy mô lớn; đa dạng hóa cây trồng và theo hướng hữu cơ sẽ là xu hướng tất yếu để ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm hiện nay.

Để phù hợp với xu hướng phát triển của nền nông nghiệp Đắk Lắk, thời gian tới, Viện sẽ nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng tốt, chống chịu với điều kiện biến đổi khí hậu; chuyển giao công nghệ theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để tạo ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym, công nghệ tế bào phục vụ trong công tác chọn tạo, nhân giống, chế biến sau thu hoạch...

°Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.