Đề xuất xây dựng chính sách hoạch định phát triển du lịch Buôn Đôn
Là địa phương có tiềm năng, lợi thế về du lịch, thời gian qua, huyện Buôn Đôn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông DƯƠNG VĂN XANH, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn trong Chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”.
● Buôn Đôn là địa phương có thế mạnh phát triển du lịch nhờ sở hữu nhiều truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với tạo việc làm cho người lao động thời gian qua được huyện triển khai như thế nào, thưa ông?
Những năm qua, huyện Buôn Đôn đã đề ra rất nhiều giải pháp nhằm đưa du lịch của địa phương phát triển gắn với tạo việc làm cho người lao động. Trước tiên, UBND huyện đã tăng cường tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về lĩnh vực văn hóa như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”… nhằm quảng bá tiềm năng du lịch Buôn Đôn với du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Thứ hai, huyện cũng bố trí kinh phí nâng cấp, tu sửa các công trình, không gian văn hóa cộng đồng giúp người dân có điều kiện sinh hoạt, truyền nghề. Cùng với đó, chúng tôi cũng tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc định kỳ 2 năm một lần với nhiều hoạt động sôi nổi như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe cho voi, Lễ cúng thần linh... Đặc biệt, huyện cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan mở các lớp đánh chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát để gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống và tăng thu nhập cho người lao động.
Du khách tham quan tại khu du lịch quần thể cầu treo. |
● Huyện Buôn Đôn xác định thế mạnh du lịch là sinh thái - văn hóa. Tuy nhiên, dường như địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực này?
Huyện Buôn Đôn hiện có 5 điểm du lịch gồm: Khu du lịch quần thể cầu treo; Khu du lịch sinh thái Bản Đôn - Ánh Dương; Thác Bảy nhánh; Khu du lịch sinh thái Troh Bư và du lịch dã ngoại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Mặc dù, đã đề ra nhiều giải pháp nhưng việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của huyện vẫn gặp phải không ít khó khăn, thách thức do cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu đồng bộ nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Ngoài ra, năng lực tài chính của các doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn huyện còn hạn chế nên hầu hết các điểm du lịch đều đơn điệu, thiếu sinh động khiến du khách thấy nhàm chán.
● Để du lịch của địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, UBND huyện Buôn Đôn đã xây dựng những kế hoạch, giải pháp gì thưa ông?
Để phát triển du lịch của địa phương, UBND huyện đã xây dựng nhiều kế hoạch, giải pháp như: kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thêm các điểm du lịch mới, quy mô, hấp dẫn hơn; đề xuất với UBND tỉnh xây dựng chính sách hoạch định phát triển du lịch bền vững để công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa được chú trọng và bảo đảm hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư; tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm các công ty, doanh nghiệp du lịch bị biến tướng, cạnh tranh không lành mạnh hoặc làm mai một các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên, người dân làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện…
● Xin cảm ơn ông!
Như Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc