Multimedia Đọc Báo in

Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống

09:09, 08/02/2021

Với tinh thần quyết tâm lớn, nỗ lực cao và hành động quyết liệt, các sở, ngành trong tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm cụ thể hóa 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Phóng viên Báo Đắk Lắk ghi nhận ý kiến của lãnh đạo một số sở, ngành với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT: Thu hút đầu tư để tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp

Năm 2020, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản xuống thấp… nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn duy trì phát triển, đạt kết quả khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh năm 2020 đạt 19,41%, cao nhất trong 5 năm qua (bình quân giai đoạn 2016 - 2019 tăng 5,85%/năm, cao gấp đôi mức tăng trưởng bình quân mỗi năm của cả nước); 100% các chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều đạt và vượt kế hoạch... Tuy nhiên, tôi cho rằng đây vẫn chưa phải là những đột phá lớn.

Thời gian đến, chúng ta phải xác định rõ được vùng sản xuất tập trung đối với những nông sản ưu thế, đặc trưng từng vùng, thay thế việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Vùng sản xuất đó phải ứng dụng đồng bộ từ giống, công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại và đặc biệt phải kết nối được đầu ra cho nông sản. Tiếp đến là tổ chức thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, tạo cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp. Bởi muốn có được vùng sản xuất tập trung, đồng nhất về chất lượng cao thì phải hình thành các hợp tác xã, để từ đó giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, có cơ hội ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, được vay vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm đầu ra ổn định… Mặt khác, phải thu hút được các nhà đầu tư lớn vào tỉnh để hình thành vùng sản xuất công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, đầu tư chế biến sâu, tạo đầu ra ổn định, gia tăng giá trị cho nông sản của tỉnh.

Để làm được những việc này thì vấn đề quan trọng là chúng ta phải có cơ chế chính sách phù hợp. Đi đôi với đó là tăng cường cải cách các thủ tục hành chính đảm bảo thuận lợi và có những ưu đãi thiết thực cho nhà đầu tư. Đã đến lúc tỉnh phải chủ động đi tìm và làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để mời gọi đầu tư chứ không ngồi chờ họ đến nữa.

Ông Đỗ Quang Trà, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: Phải phát triển được hạ tầng kết nối thuận lợi

Hiện nay, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế, việc giao thương, đi lại chủ yếu dựa vào đường bộ, trong khi hầu hết các tuyến đường đều nhỏ hẹp, xuống cấp, đèo dốc. Thời gian gần đây, tỉnh đã và đang triển khai một số dự án, công trình giao thông trọng điểm như tuyến Đinh Tiên Hoàng - Lê Duẩn; đường tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ; đường tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo); đường tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 29 (đoạn từ xã Pơng Drang, huyện Krông Búk đến xã Krông Na, huyện Buôn Đôn); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 26 (đoạn qua huyện Ea Kar)... Song, đây mới chỉ là những tuyến nội tỉnh.

Theo tôi, Đắk Lắk muốn đột phá đi lên thì giao thông vận tải phải đi trước một bước, đặc biệt phát triển được hạ tầng kết nối thuận lợi. Để đáp ứng nhu cầu phát triển cấp bách cho chặng đường mới, tỉnh cũng đang đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang; đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa, kết nối cảng cạn Krông Búk với cảng Vũng Rô (Phú Yên) và một số dự án đường có tính kết nối liên tỉnh trong vùng Tây Nguyên. Khi các dự án này hoàn thành sẽ tăng khả năng kết nối vùng, tiếp cận được với các trung tâm kinh tế - thương mại - du lịch lớn ở khu vực duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh, khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia… Từ đó sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút, kêu gọi đầu tư, hợp tác phát triển, kích cầu du lịch, kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản cho tỉnh, rút ngắn khoảng cách giữa vùng núi với đồng bằng; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…

Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: đầu tư có trọng tâm,  trọng điểm cho du lịch

Để phấn đấu đưa du lịch Đắk Lắk trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung đầu tư phát triển 3 trọng điểm du lịch của tỉnh là TP. Buôn Ma Thuột, huyện Buôn Đôn và Lắk.

Sau khi xác định vùng tập trung đầu tư, chúng tôi cũng đề nghị tỉnh bố trí vốn, kêu gọi nguồn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, khoa học đến các điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Phải quy hoạch được vùng để phát triển du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Lựa chọn điểm du lịch nào thiên về sinh thái, vùng nào là du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông nghiệp... Hình thành những điểm nhấn, tạo sự khác biệt giữa các địa phương nhưng vẫn giữ được nét văn hóa, mối liên kết chung của tỉnh.

Năm 2020, ngành du lịch tỉnh đã tích cực tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch Đắk Lắk tại nhiều địa phương trong nước; tổ chức các sự kiện kích cầu du lịch; tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương và doanh nghiệp du lịch trong tỉnh phát triển nhiều mô hình, sản phẩm du lịch mới. Các doanh nghiệp du lịch cũng mở rộng liên kết, gắn sản phẩm du lịch với phương tiện vận chuyển, dịch vụ mua sắm, ăn uống... tạo thành chuỗi khép kín, phục vụ khách với giá thành tốt nhất, hài lòng và chu đáo hơn; loại bỏ cách làm đơn lẻ, rời rạc như trước.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.