Multimedia Đọc Báo in

Hồ Thác Bà

21:20, 11/07/2010

Hồ nước nhân tạo Thác Bà  nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội 180km về hướng Tây Bắc. Du khách có thể đến tham quan du lịch bằng nhiều ngả đường, hoặc từ Tuyên Quang đến hay từ Việt Trì lên.
Hồ Thác Bà được hình thành từ năm 1962 sau khi Nhà nước ta ngăn dòng sông Chảy để xây dựng Nhà máy thủy điện công suất 108MW, hằng năm cung cấp sản lượng điện khoảng 500 triệu Kw/h. Đây là nhà máy thủy điện đầu tiên ở nước ta và lớn nhất ở miền Bắc lúc bấy giờ.
Hồ Thác Bà trải dài lưu vực sông Chảy có diện tích 23.400ha, trong đó diện tích mặt nước 19.000ha. Hồ dài 80km, rộng từ 10-15km và sâu từ 40-45m. Hồ có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, mặt nước luôn phẳng lặng, soi bóng những cánh rừng bao quanh. Trong đó có đến 1.331 hòn đảo lớn nhỏ mà khi xưa vốn là những ngọn đồi, chóp núi với hàng chục hang động tuyệt đẹp, được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn”.
Hồ Thác Bà không chỉ là một danh thắng nổi tiếng vùng Tây Bắc mà còn có một số di tích lịch sử đáng được tham quan. Tại đây năm 1.285 đã diễn ra trận đánh ác liệt ở trại Thu Vật do Trần Nhật Duật chỉ huy khiến cho đạo quân Nguyên của Áo Lỗ Xích tan rã tháo chạy về nước. Ở vùng thượng hồ còn có một số căn cứ xưa kia từng là nơi làm việc của các cơ quan trung ương thời kháng chiến chống Pháp. Động Mông Sơn trong khu vực hồ là nơi Tỉnh ủy Yên Bái làm việc trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Năm 1996, thắng cảnh hồ Thác Bà đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa, và Thác Bà trở thành biểu tượng, và niềm tự hào của tỉnh Yên Bái.

 

Du khách đến với hồ Thác Bà dạo chơi bằng du thuyền trên mặt hồ sẽ tận hưởng bầu không khí trong lành giữa mặt hồ lung linh huyền ảo. Không chỉ là thắng cảnh, hồ còn góp phần điều hòa không khí, làm cho mùa hè ở đây giảm từ 1-30C, tăng độ ẩm vào mùa khô 20%, và lượng mưa từ 1.700-2.000mm tạo điều kiện cho thảm thực vật xanh tươi và phát triển. Từ bến đò Hương Lý, du khách có thể đến tham quan Nhà máy thủy điện Thác Bà, nơi đây ngày nay còn là tượng đài uy nghi lưu danh những người đã tham gia xây dựng công trình này.
Thú vị nhất là đi tham quan các quần thể hang động trên hồ. Động Thủy Tiên nằm trong lòng núi đá vôi dài chừng trăm mét với các nhũ đá lấp lánh tạo ra muôn hình vạn trạng, trong đó có chín nàng tiên mỗi người một vẻ gắn liền với truyền thuyết tình yêu thật kỳ lạ và hấp dẫn. Động Xuân Long nằm ẩn trong núi đá, đi sâu vào bên trong không khỏi ngỡ ngàng trước những tượng đá tự nhiên đẹp một cách kỳ bí. Các nhũ đá rủ xuống cùng với những giọt nước long lanh giữa bầu không khí mát lạnh lan tỏa khiến cho mọi người cảm thấy sảng khoái, dễ chịu. Núi Cao Biền là dãy núi lớn và dài nhất của thắng cảnh hồ Thác Bà, có thể đứng trên  đỉnh núi phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh chìm trong màn sương với vẻ đẹp huyền ảo. Nơi đây có truyền thuyết về mối tình giữa công chúa con vua Thủy Tề và chàng hoàng tử, sự tích về núi Cao Biền, sự tích Thác Ông, Thác Bà trên dòng sông Chảy. Nếu đi ngược lên thượng nguồn, du khách còn được tham quan khu di tích đền Đại Cại, hang Hùm, thành Bà Bàu, chùa Sảo… tại đây các nhà khảo cổ học đã khám phá ra những dấu vết người Việt cổ.
Ở khu vực ven bờ hồ vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Dao, Mông, Cao Lan, Phù Lá… Nhiều lễ hội và phong tục tập quán ở đây thật đa dạng. Có nhiều lễ hội đặc sắc như hội cầu mưa, hội cầu may, các phiên chợ vùng cao, lễ hội giới thiệu các làng nghề truyền thống. Du khách sẽ đắm chìm trong các làn điệu dân ca trữ tình, các điệu múa đậm nét núi rừng hoang dã; thưởng thức các món đặc sản từ lòng hồ Thác Bà như ba ba, rùa, cá lăng, cá trắm…

                                                                                                                             Minh Đạt

 


Ý kiến bạn đọc