Nghệ thuật tuồng của người dân xứ Quảng
Tuồng hay còn gọi là “hát bội”, “hát bộ” hay “luông tuồng”, là một loại văn nghệ trình diễn cổ truyền ở Việt Nam, phát triển từ loại hình sân khấu dân gian được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ rất lâu đời và rất phong phú của dân tộc ta. Đến cuối thế kỷ XVIII, tuồng đã phát triển hoàn chỉnh về mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn; ngày nay môn nghệ thuật này vẫn được coi là “quốc hồn, quốc túy” của người Việt, sánh với kinh kịch của Trung Quốc hay kịch Nô của Nhật Bản.
Theo bước đường tha hương của những lưu dân, nghệ thuật tuồng cũng đi đến từng vùng đất khác nhau. Từ đó, hình thành nên những dòng tuồng khác nhau, tuồng ở mỗi vùng đất sẽ có những sự sáng tạo mới hòa hợp với lối sống tình cảm của cư dân. Nổi bật là dòng tuồng của Huế, tuồng Bình Định và tuồng Quảng Nam. Với tuồng Bình Định, bởi sống trên một mảnh đất có truyền thống thượng võ nên hát múa và diễn tuồng Bình Định thể hiện rõ cái chất võ thuật mạnh mẽ và hừng hực sức sống của con người. Trên mảnh đất nuôi dưỡng nhiều chí sĩ Quảng Nam lại lung linh chút trữ tình dẫu đó có là một vở tuồng có cảnh chiến trận. Còn tuồng ở đất cố đô lại êm đềm, nhẹ nhàng và tế nhị với lối sống tình cảm ấm áp sâu nặng và là chiếc cầu nối liền Bắc – Nam. Do vậy, nghệ thuật tuồng Huế chịu tác động của những nơi khác nhiều hơn, ảnh hưởng đến bản sắc biểu diễn, có cái nhẹ nhàng thanh thoát của đất Bắc, lại có có cái sôi nổi sâu đậm của miền Nam.
Tuồng Quảng Nam với nguồn gốc lịch sử và nghệ thuật tuồng riêng của đất Quảng, cũng đã góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật tuồng truyền thống Việt Nam cho đến ngày nay. Tuồng xứ Quảng ra đời từ cái nôi của hai vùng Đức Giáo (Quế Sơn) và Khánh Thọ (Phú Ninh) cùng với nhân vật được xem là ông Tổ của tuồng Quảng Nam là cụ Nguyễn Hiển Dĩnh.
Từ lâu với người dân xứ Quảng, tuồng đã trở thành món ăn tinh thần thấm sâu vào tiềm thức. Với việc thể hiện rõ nét các đạo lý giáo dục nhân cách con người, nêu lên các tấm gương tận trung vì đại nghĩa, những bài học về đối nhân xử thế của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, tuồng đất Quảng thẫm đẫm những giá trị nhân văn và những ước mơ, khao khát của con người nơi miền nắng gió. Với những mâu thuẫn và xung đột kịch liệt của sụ tồn tại, các nhân vật chính diện là đại diện của người dân đã vươn lên thoát khỏi sự chế ngự của hoàn cảnh, trở thành một tấm gương, bài học cho người đời noi theo. Trong quá trình tái hiện cuộc sống, tuồng không có xu hướng tả thực mà chú trọng lột tả cái thần để phù hợp với đời sống tâm linh của con người, nhằm lột tả cái cốt lõi cơ bản, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt khi những chi tiết đó không gây được hiệu quả nghệ thuật bằng thủ pháp khoa trương, cách điệu. Tất cả lời nói, động tác, hình thể, sự đi lại trên sân khấu đều được khoa trương, cách điệu để trở thành những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc và niêm luật cụ thể.
Ở Quảng Nam hiện có nhiều đội tuồng đang hoạt động ở các địa phương. (Ảnh: T.L) |
Đặc trưng của khoa trương cách điệu còn được thể hiện trong âm nhạc, hóa trang, sự hình thành các kiểu mặt nạ hóa trang chủ yếu là sự khoa trương đường nét, nếp nhăn trên khuôn mặt người. Cùng với khoa trương cách điệu, còn dùng thủ pháp lấy chi tiết để thay cho toàn thể mang tính ước lệ cao giống như trong các nghệ thuật trình diễn khác, cuốn hút khán giả cùng tham gia vào sự tưởng tượng và sáng tạo của người diễn viên, như một chiếc roi ngựa có thể thay thế cho cả con ngựa, chiếc mái chèo thay cho con thuyền, vài người lính thay cho một đội quân, một vòng đi quanh sân khấu có thể thay cho vạn dặm đường trường. Phương pháp cách điệu hóa được dùng một cách nhất quán và toàn diện trong biểu diễn. Người diễn viên tuồng truyền thống trong khi miêu tả vật thể, không dừng lại ở vỏ của vật thể mà đi vào sự sống của vật thể, là cái thần của sự vật: “Cái thần” là đỉnh cao của nghệ thuật sân khấu tuồng truyền thống, nó là tâm điểm lôi cuốn đông đảo tầng lớp khán giả xem và thu hút những diễn viên tâm huyết với tuồng.
Để hiểu rõ hơn về tuồng xứ Quảng, hãy về các làng quê Quảng Nam vào những dịp đầu xuân, giữa lúc đất trời háo hức vào xuân, cũng là lúc mà tiếng trống tuồng cũng đang giục hối hả ở khắp nơi. Những vở tuồng được diễn ở thời điểm đầu năm thường mang âm hưởng Phúc - Lộc - Thọ nhằm ca ngợi cái đẹp của cảnh vật, con người, đồng thời đem đến sự an khang – thịnh vượng cho dịp đầu năm.
Ở hai huyện Duy Xuyên và Điện Bàn có nhà hát tuồng có sức chứa vài trăm chỗ ngồi. Hằng năm cứ mỗi độ xuân về cùng với những hội gà đá, bài chòi…các sân hát của làng đều chật ních người đến xem hát tuồng. Đây là hình thức hoạt động văn hóa lành mạnh, đậm nét văn hóa dân tộc ở làng quê, là nơi trai thanh gái lịch gặp nhau. Trở về với vùng trung du Quế Sơn nơi sản sinh ra gánh hát nổi tiếng Đức Giáo, người dân nơi đây vẫn còn giữ mãi tình yêu mãnh liệt với tuồng cho đến ngày hôm nay. Huyện Quế Sơn hiện có 12 câu lạc bộ và định kỳ 2 năm một lần tổ chức liên hoan nghệ thuật Tuồng – dân ca, mỗi dịp như thế là một ngày hội để các nghệ sĩ làng quê được sống hết mình với lời ca tiếng hát. Đến các câu lạc bộ tuồng – dân ca các địa phương, sẽ gặp các cụ ông, cụ bà nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn nguyên vẹn tình yêu mãnh liệt đối với nghệ thuật tuồng – dân ca xứ Quảng hay những diễn viên nhỏ tuổi đầy triển vọng là một lực lượng kế thừa tiềm năng, đã dẫn dắt người xem một cách thuyết phục bằng giọng hát, điệu bộ và diễn xuất điêu luyện.
Về Quế Sơn nghe những âm điệu ngọt ngào của tuồng qua sự thể hiện của những diễn viên “chân đất” của làng quê mới thấy hết niềm đam mê của họ với nghệ thuật truyền thống. Trong xu thế phát triển hiện nay của đời sống văn hóa tinh thần, nghệ thuật tuồng vẫn là một sản phẩm du lịch độc đáo không thể bỏ qua. Thời gian qua, với sự nỗ lực và cố gắng hết mình, Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) đã học hỏi và kế thừa được vốn tuồng cổ khá đồ sộ của các bậc thầy có nhiều năm kinh nghiệm. Nhà hát tuồng đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ các đoàn khách quốc tế được một số công ty lữ hành đưa vào chương trình Tour du lịch giới thiệu cho khách. Đặc biệt, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã xây dựng được phòng bảo tàng và trưng bày nghệ thuật tuồng, dàn dựng các tiết mục đặc sắc mang đậm nét văn hóa đất Quảng như vũ điệu Apsara, múa Trình tường, múa Sắc bùa.
Ngày nay, Quảng Nam đã có nhiều đội tuồng ở các địa phương huyện, xã ngày ngày vẫn đến với khán giả bằng cốt cách Chân - Thiện - Mỹ của người Việt sống luôn có tình, có nghĩa thông qua các vở diễn. Để những ai xa xứ mỗi lần được nghe lại câu hát tuồng, hay trở về quê trong những ngày đầu xuân trong lòng lại cảm thấy nhẹ nhõm như một phần quê hương vẫn còn trong máu thịt của mình và càng yêu mến môn nghệ thuật này hơn.
Ý kiến bạn đọc