Người trẻ giữ hồn chiêng ở buôn Kon Wang
Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Văn Hải, Bí thư Đoàn xã Ea Yiêng (Krông Pak), chúng tôi tìm gặp anh A Bliêt (tên thường gọi là A Siu), thanh niên Xê Đăng duy nhất của buôn Kon Wang đánh cồng, chiêng giỏi.
Tiếp chúng tôi ngay giữa gian nhà bếp ọp ẹp được che chắn bằng tre nứa và lợp tranh, anh A Siu kể: “Lúc 8 tuổi, mình đã theo cha đuổi chim trên rẫy và được nghe cha dạy học đánh đàn T’rưng, từ đó mình mê âm nhạc dân tộc và học nhiều nhạc cụ, trong đó có đánh chiêng”. Nghe chúng tôi hỏi về cách đánh chiêng của người Xê Đăng, anh A Siu vào nhà mang ra 3 cái chiêng to, biểu diễn cho chúng tôi xem. A Siu chỉ nghe qua là học theo đánh được ngay. Chiêng Xê Đăng có 6 nốt chuẩn, học đánh chiêng, cồng, khó nhất là về âm. A Siu còn hướng dẫn cho chúng tôi xem cách đeo chiêng, cồng để giữ chiêng chặt không bị xê dịch khi đánh chiêng. Đôi tay sần sùi, thô cứng của anh trở nên uyển chuyển, hòa nhịp thuần thục âm vang của tiếng chiêng đại ngàn, dệt nên âm điệu văn hóa của người Xê Đăng. “Mình chủ yếu là học theo người già vì họ hiểu về âm, đánh lại chuẩn về nhạc nên mình theo họ thì mới giỏi được” - A Siu vừa đánh chiêng vừa chia sẻ.
A Siu hướng dẫn thao tác cầm và đánh chiêng cho các em nhỏ. |
Cũng như nhiều dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cồng chiêng là nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội của người Xê Đăng, trong đó Lễ hội Khai máng nước (kleang - tea) là lễ cầu cho máng nước chắc hơn, nước sẽ chảy trong, chảy suốt để người dân có cuộc sống ấm no, nước không cạn, có nước sạch để uống... Lễ hội Mừng lúa mới (ko - bâu - nếu), là lễ quan trọng nhất của người Xê Đăng, cầu mong cho lúa được mùa bội thu, không bị mất mùa, dân lúc nào cũng được ấm no, hạnh phúc. Anh A Siu cho biết thêm: “Trong những dịp trăng rằm, buôn làng thường tổ chức giao lưu qua các điệu múa, hát các bài dân ca Xê Đăng như: “Thổ cẩm của em” (o-têăn-prê), “Cậu út cưới vợ” (ne-cha-mê), “Ru em” (lông-o). Có lẽ vì đam mê văn hóa truyền thống, anh A Siu tham dự nhiều cuộc thi cấp huyện và cấp tỉnh, từng đạt nhiều giải qua các cuộc thi hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng như: Giải B với bài “Biết ơn chiến sỹ giải phóng” trong Ngày hội Văn hóa thể thao huyện Krông Pak lần thứ II; Huy chương Bạc hát đối đáp “Khai máng nước” năm 2002 do Sở Văn hóa Thông tin tổ chức; nhiều giấy giấy khen do tỉnh và huyện trao tặng với các ca khúc dân ca “Anh thương em”, “Về buôn mới”… Hiện nay, anh A Siu đang dạy cách đánh chiêng, cồng cho một đội chiêng trẻ gồm 14 thanh niên của xã và 1 đội chiêng thiếu nhi cũng 14 thành viên.
“Khi người lớn đi lên rẫy để trỉa cây lúa, cây ngô thì đám trẻ ở nhà mang chiêng (chêng, chinh), cồng (goong, coong) ra tập đánh, chỉ đơn giản thế thôi mà thanh niên có sân chơi giao lưu văn nghệ với pôlê (theo tiếng Xê Đăng là buôn, làng) này với pôlê kia, ngày xưa người già đánh chiêng nghe du dương hay lắm. Mình cũng mong muốn đánh hay như các cụ ngày xưa, nhưng bây giờ mai một nhiều rồi, vì người đi trước già rồi, có người đánh hay, đánh giỏi cũng đi theo tổ tiên hết, lớp trẻ không được truyền đạt nên khó giữ văn hóa truyền thống lắm” - A Siu tâm sự. Chàng trai Xê Đăng ngước mắt nhìn ra xa với vẻ mặt u sầu, chỉ cho tôi ngọn đồi cao mà bà con trong pôlê thường gọi là Cư Kris, kể: “Từ năm 1992 trở về trước, nguồn nước nuôi sống dân làng có từ Cư Kris kia, máng nước cũng làm từ đó để dẫn nước về pôlê này, giờ đây không còn máng nước nữa nên cũng không có lễ cúng máng nước như trước kia, không có dịp để đánh chiêng nữa rồi…”.
Ngồi với chúng tôi bên bếp lửa là người cha của A Siu, già A Sum, năm nay đã ngoài 83 tuổi, cũng là nghệ nhân đánh cồng chiêng. Người nghệ nhân Xê Đăng già bùi ngùi chia sẻ: “Tôi già rồi, muốn truyền đạt lại cho lũ trẻ lắm, nhưng bọn nó không mê cái chiêng nữa rồi, giờ chúng nó thích nhảy, thích được chơi đàn như những cái được xem trên cái ti vi nhiều hơn. Trước đây khi già còn là thanh niên, già không chỉ đánh chiêng mà còn biết chơi nhiều nhạc cụ khác, như đàn Tin ning, đàn T’rưng… không chỉ biết đánh, già còn biết chế tác nhạc cụ nữa như Klong Put - loại nhạc cụ làm bằng cây lồ ô và thể hiện âm nhạc bằng cách vỗ tay vào ống. Bây giờ ở trong cái pôlê này không có ai như già nữa, chỉ còn thằng A Siu này thôi, già mong nó truyền lại văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho lớp trẻ để chúng nó biết về nguồn gốc văn hóa của dân tộc mình…” - tiếng thì thào của già A Sum như át đi cái không khí se lạnh hòa lẫn cơn mưa phùn giữa đất trời cao nguyên lộng gió…
Kpă Y Khoa
Ý kiến bạn đọc